Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 24/12, Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp thêm 15 triệu euro viện trợ nhân đạo cho khu vực Sahel của châu Phi để giúp các nước đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có ảnh hưởng đến hơn 8,7 triệu người dân ở Burkina Faso, Mali, Niger và ở Mauritania.
Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và giải quyết khủng hoảng Janez Lenarcic nhấn mạnh năm 2021, EU đã tái khẳng định sự gắn bó với Sahel và tầm quan trọng của quan hệ đối tác với khu vực này.
Viện trợ nhân đạo bổ sung cho khu vực minh chứng cho mong muốn của EU là giúp đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng cũng như những thiếu hụt về kinh phí ở Burkina Faso, Mali, Mauritania và Niger và cung cấp hỗ trợ cho những người dân dễ bị tổn thương nhất ở Sahel.
[Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo thảm họa nhân đạo ở Syria]
Số người bị khủng hoảng lương thực ở 4 quốc gia trên đã lên mức kỷ lục so với những năm trước.
Theo dự đoán, khu vực Sahel sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng vào năm 2022 trong thời kỳ giáp hạt thường kéo dài từ tháng Năm đến tháng Tám.
Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thông báo những thiếu hụt kinh phí đáng kể ảnh hưởng đến khả năng giúp đỡ người dân trong thời gian giáp hạt ở khu vực Sahel.
Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở Sahel (Burkina Faso, Cameroon, Chad, Mali, Mauritania, Niger và Nigeria) đang gia tăng do xung đột, nghèo đói cùng cực, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và tình trạng suy dinh dưỡng chưa từng có.
Những hậu quả kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 làm tăng áp lực đối với các hệ thống y tế vốn đã yếu kém và nhu cầu nhân đạo ngày càng cao tại Sahel.
Trong năm 2021, EU đã phân bổ tổng số tiền trị giá 237,4 triệu euro cho các nước vùng Sahel.
Một phần của khoản tài trợ này được sử dụng để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực mà khu vực này đang trải qua trong năm thứ tư liên tiếp, trong đó nạn nhân chủ yếu là người dân trong các khu vực xung đột.
Viện trợ nhân đạo của EU hỗ trợ cung cấp chỗ ở, thực phẩm và dinh dưỡng khẩn cấp cho người dân, giúp họ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nước sạch, cũng như điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em và bảo vệ những người dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, nguồn tài trợ của EU đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục an toàn cho trẻ em bị ảnh hưởng xung đột vũ trang.
Trước đó, ngày 22/12, EU cũng đã công bố khoản tài trợ mới trị giá 10 triệu euro để giúp đỡ người dân Syria, nâng tổng số tiền mà liên minh viện trợ nhân đạo cho Syria đã huy động được trong năm 2021 lên 141 triệu euro.
Khoản tài trợ mới này sẽ giúp người dân được tiếp cận với nguồn nước và khôi phục cơ sở hạ tầng cấp nước thiết yếu, cải thiện điều kiện vệ sinh ở các khu vực do chính phủ kiểm soát hoặc không kiểm soát.
Với khoản hỗ trợ tài chính này, người dân Syria sẽ được cung cấp thực phẩm và hỗ trợ dinh dưỡng, đồng thời được hưởng các dịch vụ y tế thiết yếu.
Những người dân dễ bị tổn thương sẽ qua được mùa Đông giá lạnh nhờ được cung cấp nhiên liệu sưởi ấm, chăn, quần áo ấm và dịch vụ sửa chữa lều trại.
Theo ông Lenarcic, hạn hán khiến tình trạng khó khăn của người dân Syria càng thêm tồi tệ. Điều này cũng cho thấy rõ ràng mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với những người dễ bị tổn thương nhất.
Từ mùa Hè năm 2021, Syria đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua gây ra.
Hơn 5 triệu người ở quốc gia này không được cung cấp nước, thực phẩm và điện thường xuyên. Ngoài ra, khoảng 4,5 triệu người ở Syria cần hỗ trợ khẩn cấp trong cho mùa Đông giá rét./.