Ngày 14/8, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu giai đoạn tiếp theo của việc thực thi hành động pháp lý nhằm vào Ba Lan liên quan đến kế hoạch cải cách Tòa án tối cao gây tranh cãi của nước này.
Động thái trên được đưa ra sau khi Hạ viện Ba Lan hồi tháng Bảy đã thông qua luật đẩy nhanh tiến trình cải cách Tòa án tối cao bất chấp cảnh báo của EU.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), sau khi tiến hành phân tích kỹ lưỡng về phản ứng của Warsaw, cơ quan này đã quyết định bắt đầu bước thứ hai của hành động pháp lý nhằm vào quốc gia Đông Âu này.
Trong một tuyên bố, EC khẳng định phản ứng của nhà chức trách Ba Lan không làm giảm bớt những quan ngại pháp lý của cơ quan này.
[Thượng viện Ba Lan thông qua dự luật cải cách tư pháp gây tranh cãi]
Tuyên bố của EC nhấn mạnh trong vòng 1 tháng, Ba Lan phải có những biện pháp cần thiết phù hợp với quan điểm của EU, nếu không Warsaw sẽ đối mặt với nguy cơ bị kiện lên Tòa công lý EU.
Hồi đầu tháng Bảy vừa qua, EC thông báo sẽ tiến hành thủ tục pháp lý kiện Chính phủ Ba Lan do lo ngại những thay đổi mà Warsaw áp dụng với Tòa án Tối cao nước này có thể làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này cũng như tính thượng tôn pháp luật, 2 nguyên tắc chủ chốt của EU. EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mới này.
Đáp lại, Ba Lan vẫn khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn.
Cũng vào tháng 12 năm ngoái, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, EC đã đề nghị Hội đồng EU kích hoạt Điều 7 của Hiệp ước Lisbon, mở đường cho các biện pháp trừng phạt Ba Lan và đình chỉ một số quyền biểu quyết của quốc gia này với tư cách là thành viên của EU.
EU đã tiến hành các biện pháp trên sau khi Ba Lan không tuân thủ các khuyến nghị của EU liên quan đến vấn đề cải cách tư pháp gây tranh cãi mà nước này đưa ra, cũng như không tuân thủ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn của EU.
Trong kế hoạch cải cách tư pháp gây tranh cãi của Ba Lan, phải kể đến luật đẩy nhanh tiến trình cải cách Tòa án tối cao, được Hạ viện nước này thông qua vào cuối tháng Bảy.
Văn kiện này cho phép chọn chánh án thay thế khi 80 thẩm phán được bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao, giảm so với còn số 110 thẩm phán.
Luật mới cũng nhằm đẩy nhanh tiến trình người kế nhiệm nữ Chánh án Malgorzata Gersdorf , người đã từ chối về hưu theo một đạo luật giảm tuổi nghỉ hưu có hiệu lực cách đây hai tuần./.