Ngày 25/1, Ủy ban châu Âu (EC) khuyến cáo Liên minh châu Âu (EU) nên kéo dài các biện pháp kiểm soát biên giới trong khu vực đi lại tự do Schengen thêm 3 tháng trong bối cảnh các nước thành viên đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.
Áo, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy (không phải thành viên EU) là những nước đầu tiên áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới từ năm 2015, khi làn sóng người tị nạn và di cư từ các nước xảy ra xung đột vũ trang và nghèo đói tại Trung Đông và châu Phi tràn vào châu Âu. Các biện pháp hiện nay, được áp dụng từ tháng 11/2016, sẽ hết hiệu lực vào giữa tháng 2 tới.
Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans đánh giá đã có nhiều tiến bộ đáng kể để có thể dỡ bỏ việc kiểm soát biên giới nội khối, nhưng EU cần phải củng cố hơn nữa.
Chính vì vậy, ông khuyến cáo các nước thành viên liên quan duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời thêm 3 tháng nữa.
Trước đó, Brussels mong muốn khôi phục sự vận hành bình thường của Schengen mà không có các biện pháp kiểm soát biên giới trong khu vực này vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, EC nhận định: "Các điều kiện chưa được hội tụ đủ." Khuyến cáo này cần được 28 thành viên EU chính thức thông qua mới có hiệu lực.
Đại diện cấp cao của EU về Nhập cư Dimitris Avramopoulos nhấn mạnh rằng khu vực Schengen - gồm 22 nước EU và các nước khác như Na Uy, Iceland, Thụy Điển và Liechtenstein, vốn được xem là một trong những thành quả đáng tự hào nhất của EU và là một "hòn đá tảng" của nguyên tắc tự do di chuyển trong liên minh - cần phải trở lại trạng thái bình thường. Theo quan chức này, việc gia hạn các biện pháp kiểm soát biên giới là "giải pháp cuối cùng"./.