'EU cần đoàn kết hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng COVID-19'

Người đứng đầu Cơ quan Ngân hàng châu Âu gợi ý việc hỗ trợ có thể tập trung vào các ngân hàng về cơ bản lớn mạnh nhưng chịu ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng COVID-19.
'EU cần đoàn kết hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng COVID-19' ảnh 1Đồng euro. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước châu Âu cần hòa chung nỗ lực bảo vệ các ngân hàng trước những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu với báo giới ngày 25/5, người đứng đầu Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) Jose Manuel Campa đã đưa ra lời kêu gọi trên, đồng thời tiết lộ khả năng sử dụng quỹ phục hồi Liên minh châu Âu (EU) trị giá 500 tỷ euro để thực hiện điều này.

Ông nhấn mạnh: "Sẽ có ý nghĩa khi có một cách tiếp cận châu Âu để hỗ trợ các ngân hàng. Cách tiếp cận đó có thể theo dạng một sự điều chỉnh cơ cấu vốn đề phòng kiểu TARP. Ở đây, quỹ phục hồi EU có thể đóng một vai trò."

Ông Campa cũng gợi ý việc hỗ trợ có thể tập trung vào các ngân hàng về cơ bản lớn mạnh nhưng chịu ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng COVID-19.

[Chính sách tiền tệ và giải pháp đối phó cuộc khủng hoảng y tế của EU]

Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chương trình trợ cấp tài sản xấu (TARP) của Chính phủ Mỹ đã "bơm" hàng tỷ USD vào các ngân hàng, qua đó giúp Mỹ tránh khỏi một sự sụp đổ tài chính hoàn toàn.

EBA cho rằng các ngân hàng châu Âu đã xây dựng một mức dự phòng bảo toàn vốn hơn 430 tỷ euro, cao hơn mức đủ để xử lý những thiệt hại do hàng loạt các khoản vay chưa thanh toán trong bối cảnh các doanh nghiệp như các công ty lữ hành hay nhà hàng đang phải vật lộn vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, một số ngân hàng, đặc biệt tại các nền kinh tế nơi đại dịch tàn phá nặng nề như Italy hay Tây Ban Nha, lại dễ bị tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng COVID-19 so với những thể chế tài chính tại các nước khác.

Đầu tuần trước, Đức và Pháp đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết EU trị giá 500 tỷ euro nhằm giải quyết hậu quả về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đối với các nền kinh tế khu vực.

Theo đề xuất này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nhận khoản nợ 500 tỷ euro trên thị trường tài chính để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc gia bị ảnh hưởng nhất và nhiệm vụ của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen là thuyết phục các nước thành viên về dự án.

Với đề xuất trên, Đức và Pháp đã bỏ qua chương trình có tên gọi “trái phiếu corona” vốn gây tranh cãi, thay vào đó đảm bảo nguồn vốn từ các cơ chế tài chính hiện tại của châu Âu.

Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu từ Italy và các nước Nam Âu khác do không phải tăng thêm gánh nặng nợ quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục