EU cân bằng giữa an ninh và tự do đi lại để chống khủng bố

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU đã diễn ra với nội dung chính bàn về cuộc chiến chống khủng bố, thông qua kế hoạch cân bằng giữa kiểm soát an ninh và tự do đi lại ở châu Âu.
EU cân bằng giữa an ninh và tự do đi lại để chống khủng bố ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron tại hội nghị. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) đã diễn ra ngày 12/2 ở Brussels với nội dung chính bàn về cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời thông qua kế hoạch cân bằng giữa kiểm soát an ninh và tự do đi lại ở châu Âu.

Kế hoạch chống khủng bố mà các nhà lãnh đạo EU đưa ra tập trung vào ba lĩnh vực: đảm bảo an ninh cho công dân bằng cách trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo và cảnh sát châu Âu, đồng thời nhanh chóng triển khai hệ thống dữ liệu về hành khách hàng không; bảo đảm tự do đi lại trong khu vực Schengen (gồm 26 nước châu Âu, trong đó có 22 nước thuộc EU có hiệp ước chung về đi lại tự do); tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi vì cuộc chiến chống khủng bố hiện nay đã vượt xa biên giới của EU.

Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU khẳng định: "Tất cả các công dân (của EU) có quyền sống trong tự do mà không phải sợ hãi. Chúng ta sẽ bảo vệ những giá trị chung và ngăn chặn các hành động bạo lực liên quan đến các động cơ sắc tộc, tôn giáo và phân biệt chủng tộc."

Theo ông Gilles de Kerchove, quan chức chống khủng bố hàng đầu của EU, mặc dù một số nội dung trong kế hoạch trên vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua để có hiệu lực, nhưng chương trình hành động này sẽ giúp cho người dân châu Âu cảm thấy an toàn hơn.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí kêu gọi tăng cường kiểm soát đối với những người nhập cảnh vào khu vực Schengen, đồng thời chia sẻ thông tin để ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố thâm nhập vào EU.

Chống khủng bố đã trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự hàng đầu của EU sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa báo Charlie Hebdo ở Paris và loạt vụ bắt cóc con tin sau đó hồi đầu tháng Một vừa qua, khiến 17 người thiệt mạng.

Các nước EU đang nỗ lực tìm kiếm những cách thức hiệu quả hơn nhằm đối phó với các phần tử Hồi giáo có vũ trang, đặc biệt là các phần tử Hồi giáo cực đoan xuất hiện trong lòng châu Âu, những người từng tham chiến ở Syria và Iraq sau đó trở về quê hương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục