EU cam kết nỗ lực hơn nữa trong các vấn đề lương thực toàn cầu

Bộ trưởng nông nghiệp các nước Liên minh châu Âu cam kết nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh lương thực và chống đói nghèo, bởi nếu không sẽ phải chứng kiến làn sóng di cư và các cuộc xung đột.
An ninh lương thực là mối quan tâm chung của thế giới. (Ảnh: euobserver.com)

Tại hội nghị thượng đỉnh không chính thức kéo dài ba ngày tại Milan, Italy, bộ trưởng nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh lương thực và chống đói nghèo, bởi nếu không sẽ phải chứng kiến làn sóng di cư và các cuộc xung đột. Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi hội nghị kết thúc, Cao ủy phụ trách nông nghiệp của EU, Dacian Ciolos, nhấn mạnh nông nghiệp vừa là một phần thiết yếu trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực hơn nữa vừa là động lực chính cho sự phát triển bền vững trên toàn cầu.

Ông nói an ninh lương thực đã trở thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu và an ninh lương thực có một mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Đại diện nước chủ nhà, Bộ trưởng Nông nghiệp Italy, Maurizio Martina nhấn mạnh EU sẽ phải đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong các vấn đề lương thực toàn cầu.

Ông thông báo một diễn đàn về chống hàng giả, chủ đề chính trong chính sách nông nghiệp của EU, sẽ diễn ra tại Milan trước khi khai mạc Triển lãm Thế giới từ ngày 1/5 đến ngày 31/10/2015.

Ông cũng cho biết Hội nghị quốc tế lần thứ hai về dinh dưỡng do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức tại trụ sở của FAO tại Rome (Italy) sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/11.

Cũng phát biểu tại cuộc họp báo trên, Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nói tình trạng mất an ninh lương thực và xung đột đi liền nhau.

Ông cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa, các hiện tượng khí hậu cực đoan, các vấn đề của châu Phi và Cận Đông và nay là dịch Ebola ở Tây Phi có thể lan sang các khu vực khác, thường là qua dòng người di cư bắt buộc.

Ông nói các nước cùng có trách nhiệm tìm kiếm các giải pháp mà phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững là một trong số đó. Ông nói đến việc 5% sản lượng kinh tế toàn cầu bị thất thoát mỗi năm, trong khi hơn hai tỷ người thiếu ăn, thiếu vi chất hay có nguy cơ bị đói. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục