Tại buổi làm việc với Tổng Kiểm toán Nhà nước, Trần Sỹ Thanh, ngày 23/2, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cam kết sẽ có những hỗ trợ kỹ thuật để Kiểm toán Nhà nước tiệm cận và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
“Theo đó, Việt Nam có thể tăng cường hệ thống quản trị và trở thành đất nước phát triển theo tầm nhìn của Chính phủ đến năm 2030,” ngài Đại sứ chia sẻ.
Đánh giá cao mối quan hệ hợp tác giữa Kiểm toán Nhà nước và EU trong thời gian qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết định hướng phát triển đến năm 2030, Kiểm toán Nhà nước sẽ trở thành công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Theo đó, ngành tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại. Mục tiêu nhằm góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
Tổng Kiểm toán cũng nhấn mạnh với các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh và có độ mở rất lớn trong những năm gần đây.
“Nhằm chú trọng đến chất lượng hoạt động thương mại giữa hai bên, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước có kế hoạch thực hiện một cuộc kiểm toán về xuất khẩu năm 2020, từ đó có sự đánh giá toàn diện hơn về công tác xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Mục tiêu của cuộc kiểm toán hướng tới đảm bảo các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU cũng như với các đối tác khác đi vào thực chất hơn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của các bên trong khuôn khổ hiệp định, chứ không phải các bên thứ ba (nước ngoài),” ông Thanh nói.
Trên cơ sở đó, ông Thanh cho biết ngành Kiểm toán đang nỗ lực xây dựng kế hoạch trong trung hạn về nâng cao năng lực của kiểm toán viên, để có những đánh giá thực chất, hiệu quả về các hiệp định thương mại tự do báo cáo lên Quốc hội.
Bên cạnh đó, ông Trần Sỹ Thanh đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ ngành về đào tạo các lĩnh vực kiểm toán mới (như kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán hoạt động, kiểm toán nợ công, kiểm toán tài nguyên khoáng sản, kiểm toán môi trường).
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước mong muốn EU hỗ trợ việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Về số hóa, người đứng đầu ngành Kiểm toán cũng đề nghị EU hỗ trợ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, trong đó có việc khai thác, ứng dụng phần mềm phân tích dữ liệu lớn (IDEA).
Đại sứ Giorgio Aliberti nhấn mạnh sẽ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hiệu quả mối quan hệ hợp tác Kiểm toán Nhà nước với EU nhằm đóng góp vào việc hiện thực hóa mối quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện Việt Nam-EU đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai bên ngày càng phát triển.
Đại sứ cho biết từ năm 2021, EU đã thống nhất hỗ trợ một chương trình hợp tác đa biên (từ năm 2021-2027) cho Việt Nam với 3 ưu tiên hàng đầu, bao gồm: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế số có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu; Kinh doanh có trách nhiệm, tăng cường năng lực cho đội ngũ lao động và tạo cơ hội việc làm; Tăng cường quản trị pháp quyền và cải cách thể chế.
“EU đã quyết định giai đoạn từ 2021-2024 sẽ cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 210 triệu euro cho Việt Nam. Với những nguồn viện trợ lớn này, EU sẽ dựa vào hệ thống quản lý công và do đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ là một đối tác quan trọng của EU trong thời gian tới,” ông Giorgio nói./.