Số lượng người chết trong thảm họa mới nhất liên quan đến những vụ chìm tàu của người nhập cư trái phép bị chìm ở Địa Trung Hải đã tăng lên 330 người. Điều này làm dấy lên những nghi ngờ về tính hiệu quả của dự án kiểm soát biên giới của Liên minh châu Âu (EU).
Người phát ngôn của Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) Flavio Di Giacomo cho hãng thông tấn ANSA biết, trong thảm kịch mới đây nhất, những người di cư trên 4 chiếc thuyền hơi khởi hành từ Libya vào đêm thứ bảy (07/2) đã bị chết gần hết vì biển động. Chỉ có 9 người, trong đó có 1 em bé, là được cứu sống trong tổng số ước tính khoảng 420 người rời khỏi Libya trên 4 chiếc thuyền vào đêm 7/2.
Những chỉ trích mạnh mẽ của dư luận cho rằng chiến dịch Triton đã thất bại trong việc đáp ứng nhu cầu giải cứu của hàng ngàn người di cư đổ vào châu Âu mỗi năm qua các bờ biển phía Nam của Italy, trong đó chủ yếu là những người chạy trốn khỏi chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông.
Những người chỉ trích cho rằng, chiến dịch Triton – tiếp quản từ chiến dịch Mare Nostrum của Italy vốn được tài trợ lớn hơn và tốt hơn – đã không được trang bị để tìm kiếm, cứu giúp và giải quyết vấn đề người di cư một cách thỏa đáng.
Hôm 11/2, Hội đồng châu Âu đã đáp trả những chỉ trích của Cao ủy về người tị nạn của Liên hiệp quốc (UNHCR) rằng dự án Triton “không được thành lập để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn những người di cư trên biển”. Dự án Triton do cơ quan quản lý biên giới EU (Frontex) quản lý có chức năng khác với chiến dịch Mare Nostrum của Italy, đó là tập trung vào an ninh biên giới hơn là tập trung vào tìm kiếm và cứu nạn.
Phản ứng trước những lời kêu gọi EU phải tăng cường khả năng tìm kiếm và cứu nạn ở Địa Trung Hải, Cao ủy phụ trách nhân quyền của Hội đồng châu Âu, ông Nils Muiznieks, cho rằng những kẻ buôn người và sự nguy hiểm của biển cả là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của hàng ngàn người di cư mỗi năm. Do dự án Triton không được trang bị cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn, nên cần phải có nỗ lực cứu trợ mạnh mẽ hơn và châu Âu cần có một hệ thống tìm kiếm và cứu nạn hiệu quả hơn.
Phát ngôn viên của UNHCR Adrian Edwards tuyên bố hôm 10/2 rằng Italy đã thực hiện đúng khi thiết lập chiến dịch Mare Nostrum. Những thảm họa liên tiếp xảy ra cho thấy cần phải có khả năng cứu nạn tốt hơn và hiệu quả hơn ở Địa Trung Hải để giải quyết tương xứng với quy mô của vấn đề. Ông Adrian cũng tái khẳng định lời kêu gọi của UNHCR yêu cầu châu Âu hỗ trợ một cách thích hợp cho Italy để đối phó với việc hàng ngàn người di cư mạo hiểm vượt biển đến Italy hàng năm.
Trong trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Sky Tg 24, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Paolo Gentiloni cho rằng dự án Triton chỉ là điểm khởi đầu và chưa đủ để cứu giúp những người di cư. Ông Paolo cũng khẳng định, chắc chắn là dự án Triton nhỏ hơn chiến dịch Mare Nostrum.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi cũng cho rằng bất ổn ở Libya là nguyên nhân chính của những thảm họa chìm thuyền của người di cư và vấn đề không phải là dự án Triton hay chiến dịch Mare Nostrum, do đó cần phải yêu cầu châu Âu làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Ông Renzi cũng cho biết, ông sẽ kêu gọi châu Âu thực hiện việc này.
Nguồn tin thân cận với Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho biết, Tổng thống Mattarella đã bị sốc và theo dõi chặt chẽ thông tin về thảm kịch nhân đạo mới này, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của lực lượng cứu hộ quốc tế trong việc cứu sống được rất nhiều người trong thời gian qua.
Trong buổi làm lễ hàng hàng tuần tại quảng trưởng Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis cho rằng vấn đề chính trị chủ yếu là việc giải quyết vấn đề ở Libya, nơi mà tình hình đã mất kiểm soát, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ tốt hơn cho người di cư cũng như cầu nguyện nhiều hơn cho người di cư.
Việc cứu nạn những người di cư trên biển Địa Trung Hải cũng dẫn đến những tranh cãi giữa các đảng phái chính trị ở châu Âu. Đảng cánh hữu Liên minh miền Bắc Italy cho rằng, những chiến dịch này chỉ khuyến khích thêm những người di cư tìm cách đổ đến châu Âu trên những chuyến đi mạo hiểm đến tính mạng và làm lợi cho những kẻ buôn người vô đạo đức.
Ngược lại, các tổ chức nhân quyền và các đảng chính trị cánh tả lại cho rằng những người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh ở châu Phi và Trung Đông, đặc biệt là từ Syria đã quá tuyệt vọng và do vậy không được ngăn cản họ chạy trốn bằng đường biển.
Theo ước tính của UNHCR, trong năm 2014, hơn 207.000 người di cư đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, cao gấp 3 lần so với con số kỷ lục vào năm 2011, với 70.000 người di cư đã chạy đến châu Âu trong thời kỳ Mùa xuân A rập. Hồi tháng 12, UNHCR cũng cho rằng, ít nhất 3.419 người di cư đã chết trong năm 2014 ở Địa Trung Hải.
Là điểm biên giới cực Nam của Italy, đảo Lampedusa là điểm đến lý tưởng thường xuyên của những người di cư muốn tìm cuộc sống mới ở châu Âu. Theo ước tính của Bộ Nội vụ Italy, trong năm 2014 đã có gần 170.000 người di cư đến Italy bằng đường biển, trong khi năm 2013 chỉ khoảng 60.000 người.
Tìm kiếm và cứu nạn là nhiệm vụ của chiến dịch Mare Nostrum, được Italy khởi xướng từ tháng 10/2013 sau khi thảm họa chìm 2 tàu chở người di cư trên đường đến Italy, làm khoảng 400 người chết. Tuy nhiên, chiến dịch này đã chấm dứt và chuyển giao cho EU tiếp quản vào năm ngoái do chi phí hoạt động quá lớn (120 triệu USD trong năm đầu tiên).
Dự án Triton được EU thực hiện từ tháng 11/2014 với kinh phí 2,9 triệu USD/tháng, chỉ bẳng 1/3 của chiến dịch Mare Nostrum của Italy./.