EU bàn về khả năng khôi phục nền kinh tế châu Âu

EESC lo ngại chính sách khắc khổ sẽ kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi và thúc đẩy kinh tế châu Âu phát triển.

Trong hai ngày 10 và 11/12, tại Brussels, Ủy ban kinh tế và xã hội thuộc Liên minh châu Âu (EESC) tổ chức hội thảo về những tác động của chính sách khắc khổ và khả năng khôi phục nền kinh tế châu Âu.

Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Chrisitne Lagarde đã tham dự và phát biểu tại phiên toàn thể.

Trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài, EESC lo ngại chính sách khắc khổ sẽ kéo theo nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng tới khả năng phục hồi và thúc đẩy kinh tế châu Âu phát triển.

Chủ tịch EESC Henri Malosse nhấn mạnh trong lúc EU chuẩn bị cho bầu cử vào tháng 5/2014 thì ngay bây giờ cần phải ngừng việc cắt giảm việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ liên quan.

Để thoát khỏi khủng hoảng, ông Henri Malosse cho rằng cần phải có các cuộc đối thoại cởi mở với dân chúng. Ông nhấn mạnh công dân các nước châu Âu mong muốn việc lựa chọn đường lối chính trị và kinh tế phải được tiến hành một cách rõ ràng, minh bạch vì đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của họ.

Tổng giám đốc IMF Lagarde nêu rõ EU phải đặt ưu tiên hàng đầu vào vấn đề tài chính vì việc cắt giảm chi tiêu bất hợp lý có thể sẽ giết chết tăng trưởng.

Theo bà Lagarde, có bốn vấn đề quan trọng hiện nay đối với EU gồm tạo dựng lại lòng tin bằng việc cải tổ hệ thống ngân hàng, tiếp tục trợ giúp nhu cầu tài chính, giảm nợ và thúc đẩy sản xuất cùng với phát triển thị trường.

Tại hội thảo, EESC kêu gọi các quốc gia thành viên EU chú trọng giải quyết những vấn đề nổi cộm, lấy lại lòng tin của dân chúng, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục