EU, AU nỗ lực "tiếp lửa" cho hội nghị Copenhagen

Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) nhất trí thành lập quỹ môi trường 100 tỷ USD giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tối 16/12, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) nhất trí đề xuất thành lập quỹ môi trường trị giá 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu tới năm 2020.

Đề xuất trên được đưa ra tại một cuộc họp báo chung với sự tham gia của Chủ tịch EU Fredrik Reinfeldt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso và Chủ tịch AU, ông Meles Zenawithe.

Theo đó, quỹ này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013 với lộ trình đạt được 50 tỷ USD vào năm 2015 và tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Đây được cho là một động thái tích cực của các bên trong nỗ lực cứu vãn các cuộc đàm phán cuối cùng đang diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu liên quan đến các khoản đóng góp tài chính giúp các nước nghèo và mục tiêu cắt giảm khí thải của các bên từ sau năm 2012.

Giám đốc chính sách EU của tổ chức Greenpeace, ông Joris den Balken, nhận định: “Vấn đề tài chính trợ giúp các nước đang phát triển là vấn đề sống còn đối với các cuộc thảo luận”.

Ông hy vọng đề xuất táo bạo của EU và AU sẽ “tiếp lửa” cho các cuộc đàm phán nước rút đang có nguy cơ đổ vỡ và tạo thêm áp lực lên Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc nỗ lực đẩy mạnh các hành động hợp tác dài hạn chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đề xuất chung của EU và AU được đưa ra sau khi Nhật Bản tuyên bố thành lập quỹ hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển giảm nhẹ và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, với điều kiện Hội nghị Copenhagen phải đạt được một thỏa thuận toàn diện vào ngày 18/12.

Trước đó, nhóm 6 nước gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Na Uy và Australia cũng tuyên bố thành lập quỹ chống phá rừng trị giá 3,5 tỷ USD cho 3 năm (2010-2012) để giúp các nước nghèo giảm phát thải khí từ chống phá rừng và suy thoái rừng. Mỹ cam kết đóng góp 1 tỷ USD trong quỹ này.

Trong khi đó, theo nguồn tin mới nhất từ hội nghị, các cuộc đàm phán “gần như đổ vỡ” khi các nước phát triển và đang phát triển không tìm được bất kỳ điểm chung nào về nội dung sẽ được đưa ra trong thỏa thuận cuối cùng (nếu có).

Các nước đang phát triển vẫn giữ quan điểm tiến hành các cuộc thảo luận theo hai nội dung là Nghị định thư Kyoto (chỉ quy định trách nhiệm của các nước phát triển) và hợp tác hành động dài hạn (quy định trách nhiệm của Mỹ và các nước đang phát triển).

Tuy nhiên, các nước phát triển từ chối điều này với lý do muốn gộp hai nội dung vào làm một./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục