Ethiopia: Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng tăng vọt do hạn hán kéo dài

Hiện hơn 1 triệu người ở nhiều khu vực thuộc Ethiopia cần được viện trợ lương thực khẩn cấp, trong đó khoảng 185.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao.
Ethiopia: Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng tăng vọt do hạn hán kéo dài ảnh 1Chăm sóc em nhỏ bị suy dinh dưỡng tại trung tâm y tế ở thị trấn Kelafo, cách thành phố Gode của Ethiopia 120km, ngày 8/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/6, tổ chức từ thiện Save the Children (Cứu trợ trẻ em) của Anh cho biết hàng chục nghìn trẻ em ở Ethiopia đang bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao vì tình trạng hạn hán kéo dài đang tàn phá các khu vực ở miền Đông và Nam nước này.

Theo tổ chức trên, vùng Sừng châu Phi đã hứng chịu 4 mùa hạn hán liên tiếp và dự kiến đối mặt với tình trạng này trong năm thứ 5, gây ra đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 40 năm qua và nạn đói lớn ở Kenya, Somalia và Ethiopia.

Hiện hơn 1 triệu người ở nhiều khu vực thuộc Ethiopia cần được viện trợ lương thực khẩn cấp, trong đó khoảng 185.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng có nguy cơ tử vong cao.

Một giám đốc khu vực của Save the Children cho rằng trẻ em đang phải hứng chịu tác động của cuộc khủng hoảng nhiều mặt ở Ethiopia.

Hạn hán kéo dài đang làm xói mòn khả năng phục hồi vốn bị suy yếu do xung đột và 2 năm xảy ra đại dịch COVID-19.

Theo Save the Children, khu vực Somali của Ethiopia là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tỷ lệ suy dinh dưỡng đã tăng 64% trong năm qua, trong đó hơn 50.000 trường hợp bị suy dinh dưỡng cấp tính cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa nguy cơ tử vong.

Nhiều cộng đồng du mục ở khu vực này đang có nguy cơ bị chết đói khi nhiều gia đình cho biết trẻ em chỉ được ăn một bữa mỗi ngày.

[Cảnh báo về nạn đói nghiêm trọng tại vùng Sừng châu Phi]

Tình trạng hạn hán kỷ lục đã gây ảnh hưởng đến 8,1 triệu người ở quốc gia đông dân thứ 2 của châu Phi này, đất nước cũng phải hứng chịu những hậu quả của cuộc xung đột kéo dài ở miền Bắc. Tổ chức Save the Children cho biết khoảng 30 triệu người, tương đương 25% dân số Ethiopia cần được hỗ trợ nhân đạo.

Lượng mưa không đủ đã phá hủy mùa màng, giết chết gia súc và buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa để đi kiếm thức ăn và nước uống trên khắp các nước Kenya, Somalia và Ethiopia.

Tình trạng này đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột ở Ukraine, một trong những yếu tố khiến chi phí lương thực-thực phẩm và xăng dầu tăng vọt.

Trong khi đó, những hoạt động nhân đạo đang bị thiếu kinh phí khi mà Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc hồi tháng Hai năm nay cho biết chỉ huy động được chưa đến 4% số tiền cần thiết.

Giới chuyên gia cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn với mức tàn phá nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục