Ethiopia bán doanh nghiệp quốc doanh cho các đầu tư nước ngoài

Chính phủ Ethiopia cho biết sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các doanh nghiệp chủ chốt thuộc nhà nước như hàng không và viễn thông, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ethiopia bán doanh nghiệp quốc doanh cho các đầu tư nước ngoài ảnh 1Tân Thủ tướng Ethiopia Abiye Ahmed. (Nguồn: Africa News/TTXVN)

Chính phủ Ethiopia cho biết sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào các doanh nghiệp chủ chốt thuộc nhà nước như hàng không và viễn thông, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia có dân số lớn thứ hai châu Phi này.

Theo thông báo từ Mặt trận Nhân dân Dân chủ Cách mạng Ethiopia (EPRDF), đảng cầm quyền tại nước này, chính phủ sẽ bán toàn bộ hoặc một phần các doanh nghiệp nhà nước bao gồm đường sắt, khách sạn, công viên và các nhà máy sản xuất-chế tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, theo EPRDF, nhà nước sẽ nắm cổ phần chi phối trong các lĩnh vực chủ chốt mang tính nhạy cảm như viễn thông, hàng không, điện lực và vận tải biển.


[Ethiopian Airlines là hãng đầu tiên tại châu Phi sở hữu 100 máy bay]

Kế hoạch trên được đưa ra vào thời điểm hãng hàng không Ethiopian Airlines, cũng là hãng hàng không lớn nhất châu Phi với 100 máy bay, thông báo kế hoạch mở rộng đường bay đến nhiều quốc gia mới tại châu Phi cũng như trên thế giới.

Kế hoạch trên được xem là một phần của chiến lược phát triển kinh tế của Ethiopia, bao gồm các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn như dự án xây dựng đập thủy lợi Đại Phục hưng trị giá 5 tỷ USD và dự án xây dựng hệ thống đường sắt trên toàn quốc.

Chính phủ nước này cũng đang tập trung cao độ vào việc đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo và chế tạo, hai lĩnh vực then chốt đóng vai trò động lực cho sự phát triển của các ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Trước đó, hôm 24/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Ethiopia sẽ trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Nam sa mạc Sahara, châu Phi trong năm 2018, với mức tăng trưởng được dự báo đạt 8,5%.

IMF nhận định mức tăng trưởng cao này là kết quả của quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ của Ethiopia trong một thời gian dài trước đó. Trong một thập kỷ qua, nền kinh tế quốc gia 100 triệu dân này có những giai đoạn ghi nhận mức tăng trưởng tới 10%/năm.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, quốc gia Đông Phi này vẫn đang phải đối mặt với sự bất ổn về chính trị và xã hội tại bang Oromiya - bang lớn nhất và đông dân nhất ở Ethiopia.

Hôm 2/4, tân Thủ tướng Ethiopia Abiye Ahmed đã nhậm chức trong bối cảnh ông Abiye được người dân tin tưởng sẽ thực hiện các cuộc cải cách dân chủ góp phần xoa dịu những căng thẳng giữa các nhóm sắc tộc ở Oromya.

Ông Abiye Ahmed là đại diện sắc tộc Oromo đầu tiên giữ chức thủ tướng sau 27 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân (EPRDF).

Nhiều người dân của Ethiopia bày tỏ hy vọng việc ông Abiye Ahmed lên lãnh đạo sẽ góp phần thay đổi đường lối lãnh đạo của EPRDF và ổn định lại đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục