Ngày 3/12, Ủy ban châu Âu đã hoan nghênh việc Hội đồng Erasmus+ thông qua một chương trình mới về giáo dục, đào tạo của Liên minh châu Âu với ngân sách 14,7 tỷ euro trong bảy năm tới (2020).
Chương trình Erasmus là chính sách giáo dục, đào tạo lâu dài của Liên minh châu Âu EU. Chương trình Erasmus cho phép mỗi năm 200.000 sinh viên đi thực tập ra nước ngoài.
Ngân sách của Erasmus đảm bảo cho sự hợp tác giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo đại học trong toàn châu Âu.
Chương trình này còn tài trợ giáo viên và cả nhân viên các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy… tổ chức giảng dạy ở nước ngoài hoặc đi đào tạo ở nước ngoài.
Kể từ năm 1987, chương trình Erasmus đã tài trợ cho 2,2 triệu sinh viên EU tham gia các chương trình thực tập, đào tạo ở ngoài nước.
Kể từ năm 1997, có trên 250.000 giáo viên và các giảng viên đại học được tài trợ cho các hoạt động trong khuôn khổ chương trình Erasmus.
Đây là một chương trình mới của EU về lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thanh niên và thể thao (Erasmus+). Trước đây, Chương trình Erasmus chỉ bao gồm 3 lĩnh vực: giáo dục, đào tạo và thanh niên.
Với việc cam kết của EU tăng 40% ngân sách, chương trình Erasmus+ sẽ tạo thuận lợi và cho phép lớp trẻ trong EU tăng cường, bổ sung kiến thức và kỹ năng sống thông qua kinh nghiệm ở nước ngoài.
Erasmus+ cũng sẽ tạo cơ hội để giới sinh viên tham gia vào việc làm, tạo thuận lợi cho sự gắn kết giữa nhà trường và các cơ sở sản xuất nhằm đóng góp cho sự phát triển chung của EU.
Theo bà Androulla Vassiliou, Cao ủy phụ trách Giáo dục, Văn hóa, Ngoại ngữ và Thanh niên của EU, chương trình Erasmus+ sẽ hợp tác với các phương tiện truyền thông để giúp mọi người trong việc tìm kiếm việc làm theo ngành học, hỗ trợ cơ hội học tập ở nước ngoài (cả trong và ngoài EU).
Trong lĩnh vực thể thao, Erasmus + tập trung đầu tư cho các sáng kiến cấp cơ sở và giải quyết vấn đề xuyên quốc gia như các trận đấu thể thao có doping, bạo lực và phân biệt chủng tộc.
Dự kiến, Nghị viện châu Âu EP và Hội đồng châu Âu EC sẽ ký thông qua ngân sách này vào ngày trên 11/12./.