Nghị viện châu Âu (EP) ngày 6/7 đã yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nếu Ankara tiến hành sửa đổi hiến pháp sau cuộc trưng cầu dân ý gần đây theo hướng gia tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
EP ra tuyên bố trên sau khi các nghị sĩ EU ngày 5/7 không chỉ kêu gọi ngừng tiến hành đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ mà còn cho rằng động thái trấn áp mạnh tay của Tổng thống Erdogan sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái tại nước này "không đáp ứng được tiêu chí dân chủ của EU." Tuy nhiên, quyết định trên của EP chỉ có ảnh hưởng ở mức hạn chế đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập EU.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik khẳng định Ankara phản đối bất kỳ đề xuất nào nhằm hủy bỏ các cuộc đàm phán về việc nước này gia nhập EU và thay bằng việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
[Các hoạt động ngoài G20 của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là "không thích hợp"]
Phát biểu trước báo giới nhân chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Uỷ viên EU phụ trách mở rộng khối Johannes Hahn, Bộ trưởng Celik cho rằng việc các nghị sĩ EU kêu gọi ngừng đàm phán xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào liên minh này là "bất hợp lý" đồng thời nhận định cách tiếp cận như vậy "không có lợi cho bất kỳ ai".
Hồi đầu tháng 6 năm nay, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã tái khẳng định mong muốn của Ankara tiếp tục đàm phán với EU để trở thành thành viên chính thức của liên minh này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình trệ khi quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng do liên quan chiến dịch trấn áp của Ankara sau vụ đảo chính bất thành ngày 15/7/2016 và cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 4 vừa qua./.