Ngày 15/4, Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận vụ hàng triệu người Armenia bị sát hại dưới thời Đế chế Ottoman (tiền thân của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại), trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất là "tội diệt chủng," qua đó tạo điều kiện thúc đẩy hòa giải giữa hai dân tộc.
Nghị quyết trên được Nghị viện châu Âu thông qua với đại đa số phiếu thuận, trong bối cảnh các bên liên quan vẫn bất đồng về cách mô tả tính chất của vụ việc trước thềm 100 năm xảy ra thảm kịch trên.
Năm 1987, Nghị viện cũng đã thông qua nghị quyết coi cuộc thảm sát này là "nạn diệt chủng."
Armenia ngay lập tức đã hoan nghênh Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết ngày 15/4.
Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Edward Nalbandian nhấn mạnh nghị quyết là một thông điệp quan trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thừa nhận nghị quyết trên. Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách các vấn đề liên quan Liên minh châu Âu, Volkan Bozkyr, nêu rõ nghị quyết này trái với sự thật lịch sử, các nguyên tắc luật pháp và không có hiệu lực pháp lý đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Bozkyr nhấn mạnh Nghị viện châu Âu đã sử dụng từ "diệt chủng" trong khi chưa có quyết định nào của tòa án phán quyết rằng sự kiện năm 1915 là diệt chủng. Thổ Nhĩ Kỳ đã từng kêu gọi thành lập một ủy ban hỗn hợp với Armenia để nghiên cứu khoa học các sự kiện năm 1915-1916.
Chiến dịch bắt giữ và thảm sát 2.000 nhà lãnh đạo Armenia bắt đầu ngày 24/4/1915 ở thành phố Istanbul.
Chưa đầy một năm sau, hàng trăm nghìn người Armenia buộc phải rời khỏi nơi sinh sống của mình, tài sản của họ bị tịch thu và nhiều người bị giết hại.
Armenia sau đó buộc Thổ Nhĩ Kỳ công nhận việc 1,5 triệu người Armenia bị sát hại trong giai đoạn 1915-1916 dưới thời Đế chế Ottoman là hành vi diệt chủng.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng chỉ có 500.000 người mất mạng, đồng thời khẳng định những người này chết vì giao tranh hoặc vì đói trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng hàng trăm nghìn người dân nước này cũng thiệt mạng trong các vụ bạo lực dưới thời Đế chế Ottoman.
Một thế kỷ sau, vụ tàn sát vẫn gây tranh cãi gay gắt, cản trở mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phương Tây và còn là một trở ngại trong tiến trình Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu./.