EP cảnh báo không dễ dàng phê chuẩn kế hoạch ngân sách của EU

Chủ tịch EP David Sassoli dù hoan nghênh thỏa thuận về quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 của EU, nhưng vẫn muốn điều chỉnh một số vấn đề và xem xét các khoản cắt bất hợp lý.
EP cảnh báo không dễ dàng phê chuẩn kế hoạch ngân sách của EU ảnh 1Dịch COVID-19 đang khiến các nước châu Âu bối rối. (Ảnh: DW)

Nghị viện châu Âu (EP) sẽ không dễ dàng phê chuẩn thỏa thuận ngân sách dài hạn vốn được lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí tại một trong những hội nghị thượng đỉnh kéo dài nhất lịch sử vừa qua.

Trao đổi với báo giới, Chủ tịch EP David Sassoli một mặt hoan nghênh thỏa thuận về quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro được lãnh đạo các nước EU nhất trí sau 5 ngày đàm phán, mặt khác cho biết EP muốn "tái định hình" kế hoạch ngân sách cho 7 năm tới của EU với giá trị lên tới hơn 1.000 tỷ euro (gần 1.200 tỷ USD). Ông cho biết EP muốn điều chỉnh một số vấn đề trong ngân sách, cũng như xem xét "những khoản cắt giảm mà chúng tôi cho rằng bất hợp lý."

Theo quy định của EU, EP phải thông qua kế hoạch ngân sách và quỹ phục hồi kinh tế trước khi các khoản tiền được phân bổ tới các nền kinh tế thành viên bắt đầu từ đầu tới giữa năm 2021. Chính phủ các nước đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II không muốn bất kỳ sự trì hoãn nào, lập luận rằng việc chậm trễ phân bổ các khoản tiền hỗ trợ sẽ làm suy yếu sức ảnh hưởng của quỹ phục hồi. Tuy nhiên, ông Sassoli vẫn thể hiện lập trường cứng rắn đối với khoản ngân sách EU giai đoạn 2021-2027 khi nói rằng "chúng ta không thể cắt giảm ngân sách cho công tác nghiên cứu và giới trẻ và Chương trình Eramus (chương trình trao đổi sinh viên của EU)."

[EU đạt thỏa thuận gói 750 tỷ euro hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu COVID-19]

Hiện chưa rõ cách thức EP xem xét lại kế hoạch ngân sách trên mà không khiến thỏa thuận này đổ vỡ. Ông Sassoli cho biết EP sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu cuối cùng về hai đề xuất trên trong 2 tháng tới.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho rằng thỏa thuận của EU về quỹ phục hồi kinh tế hậu dịch COVID-19 là giải pháp khả thi duy nhất để bảo vệ thị trường chung châu Âu và liên minh tiền tệ của EU. Phát biểu trước Thượng viện, ông Conte nêu rõ: "Với quyết định (về quỹ phục hồi), EU đã mở ra một viễn cảnh mới, vì một châu Âu gắn kết hơn và toàn diện hơn... đó là cách khả thi duy nhất để bảo vệ tính đồng nhất của thị trường chung và sự ổn định của liên minh tiền tệ".

Sau 5 ngày đàm phán ở thủ đô Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đã đạt đồng thuận về kế hoạch ngân sách lên tới hơn 1.800 tỷ euro, gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021-2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro. Theo Hội đồng châu Âu, gói ngân sách này sẽ là công cụ chính để giải quyết các hậu quả kinh tế xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, EP cảnh báo việc phục hồi kinh tế không được làm giảm khả năng đầu tư hay gây bất lợi cho người dân các quốc gia./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục