Ngày 8/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã bác bỏ đề xuất cải tổ thị trường carbon của Liên minh châu Âu (EU), một động thái hiếm hoi cho thấy sự chia rẽ xung quanh chính sách về biến đổi khí hậu lớn nhất của khối này.
Cuộc bỏ phiếu đã cản trở nỗ lực nhằm xác nhận lập trường của EP đối với các cuộc đàm phán về dự luật cải tổ thị trường carbon, khi các nghị sỹ chia rẽ quan điểm về việc liệu kế hoạch này sẽ củng cố hay làm suy yếu cơ chế trao đổi hạn ngạch khí gây hiệu ứng nhà kính (ETS).
Đây là cơ chế cho phép các công ty bán hoặc mua hạn ngạch khí thải trong các cuộc đấu giá hoặc từ các công ty khác - một hình thức kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách từng bước siết chặt lượng khí CO2 do các doanh nghiệp thải ra.
[Giảm khí thải CO2 là chưa đủ để ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên]
Việc nâng cấp cơ chế này - cùng với một loạt các chính sách khí hậu mới khác - nhằm giúp EU đạt mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đề xuất trên bị bác bỏ đồng nghĩa văn kiện này sẽ được chuyển lại cho Ủy ban Môi trường của EP để thảo luận lại.
Nghị sỹ Peter Liese, nhà đàm phán hàng đầu của EP về cải cách thị trường carbon, phàn nàn đây là "một ngày tồi tệ đối với EP," đồng thời đã kêu gọi các nghị sỹ khác nỗ lực tìm kiếm một đề xuất để có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả nghị sỹ.
Giữa tháng Năm vừa qua, Ủy ban Môi trường của EP đã phê duyệt việc mở rộng ETS sau các cuộc đàm phán kéo dài.
Vào thời điểm đó, đề xuất này quy định rằng các công ty sẽ phải trả tiền cho lượng khí thải CO2 của các tòa nhà và phương tiện giao thông của mình vào năm 2030.
Điều này sẽ giúp cắt giảm 63% lượng khí thải của các lĩnh vực chịu sự chi phối của thị trường carbon châu Âu vào năm 2030 so với năm 2005.
Con số này tốt hơn so với mục tiêu do Ủy ban châu Âu đề xuất, nhưng lại là một bước lùi rõ ràng so với mức 67% đã được ủng hộ trong ủy ban môi trường./.