Người đầu tiên trên thế giới được cấy chip vào não trong chương trình Neuralink dường như đã bình phục hoàn toàn và có thể điều khiển chuột máy tính chỉ bằng suy nghĩ. Đây là thông tin rất thú vị do tỷ phú Elon Musk, người sáng lập Neuralink, cho biết vào ngày 19/2.
“Có tiến triển tốt. Bệnh nhân dường như đã hồi phục hoàn toàn, không có ảnh hưởng xấu nào mà chúng tôi nhận thấy. Bệnh nhân có thể di chuyển chuột quanh màn hình chỉ bằng cách suy nghĩ”, Musk chia sẻ trong một bài viết trên mạng xã hội X. Cũng theo ông, Neuralink đang khuyến khích bệnh nhân được cấy chịp tạo ra càng nhiều lượt nhấp chuột càng
Cách đây 1 tháng, công ty của Musk đã cấy thành công một con chip vào não bệnh nhân đầu tiên. Động thái diễn ra sau khi công ty được cơ quan quản lý chấp nhận cho tuyển người để thử nghiệm kỹ thuật và sản phẩm mới.
Trong cuộc thử nghiệm, Neuralink đã sử dụng robot để phẫu thuật cấy ghép một giao diện não-máy tính vào vùng não điều khiển ý định di chuyển của con người. Mục tiêu ban đầu của công ty chỉ là cho phép bệnh nhân được ghép chíp có thêm khả năng điều khiển con trỏ hoặc bàn phím máy tính chỉ bằng suy nghĩ.
Musk đặt tham vọng lớn vào Neuralink, nói rằng công ty sẽ dùng kỹ thuật cấy chíp vào não để điều trị các tình trạng bệnh như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt. Tuy nhiên công ty của Musk, được định giá khoảng 5 tỷ USD vào năm ngoái, cũng nhiều lần phải đối mặt với những lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về mức độ an toàn của các sản phẩm chip cấy vào não.
Tháng 5 năm ngoái, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép Neuralink được thực hiện một thử nghiệm lâm sàng việc cấy chip vào não người, sau thời gian dài cân nhắc yếu tố an toàn.
Kể từ năm 2019, Musk đã có 4 lần dự đoán việc Neuralink sẽ sớm được thử nghiệm trên con người. Nhưng công ty của Musk chỉ bắt đầu xin FDA cấp phép thử nghiệm hồi đầu năm 2022. Ngay sau đó, FDA đã từ chối cấp phép, chỉ ra nhiều quan ngại mà Neuralink cần giải quyết.
Các quan ngại lớn nhất bao gồm cục pin lithium của thiết bị cấy ghép não có thể gây hại tới người được cấy ghép. Ngoài ra còn phải kể tới nguy cơ dây của thiết bị cấy ghép sẽ di chuyển trong não bệnh nhân và sự khó khăn trong việc rút thiết bị cấy ghép ra ngoài, một cách an toàn, mà không làm hỏng mô não.
Để giải quyết những lo ngại này, Neuralink được cho là đã hợp tác chặt chẽ với Viện Thần kinh Barrow, một tổ chức nghiên cứu và điều trị bệnh thần kinh có trụ sở tại Phoenix, Arizona, nhằm nghiên cứu cách thực hiện các thử nghiệm trên người.
Trước khi được cấp phép thử nghiệm trên con người, Neuralink đã nhiều lần thử thiết bị của công ty trên động vật. Với kích thước lớn chỉ bằng một đồng xu nhỏ, thiết bị được cấy vào hộp sọ của khỉ và nhiều loài vật khác.
Trong một buổi thuyết trình giới thiệu sản phẩm, Neuralink từng cho khán giả xem cảnh một số con khỉ chơi các trò chơi điện tử, hay di chuyển con trỏ trên màn hình chỉ bằng cách suy nghĩ. Những suy nghĩ của chúng sẽ được chuyển thành lệnh thực hiện tương ứng thông qua thiết bị của công ty./.
Neuralink thành công bước đầu trong thử nghiệm cấy chip vào não người
Công nghệ của Neuralink hoạt động chủ yếu thông qua chip cấy ghép với tên gọi “Link” - thiết bị có kích thước bằng đồng xu và được cấy vào não người thông qua phẫu thuật xâm lấn.