Trước thông tin Economist Intelligence Unit (EIU), một hãng nghiên cứu thuộc Economist Group (Anh) công bố xếp hạng Việt Nam xếp áp chót trong 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, lãnh đạo Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng kết quả xếp hạng này chưa minh bạch về về phương pháp nghiên cứu, các chỉ số, thời gian thu thập dữ liệu thông tin. Thậm chí, một số chỉ số, tiêu chí chưa được đánh giá chính xác.
Đây là thông tin được đưa ra tại buổi cung cấp thông tin về ncông tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam do Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 21/1 tại Hà Nội.
Theo đó, EIU vừa công bố báo cáo mang tên "Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse" đánh giá về các hoạt động phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em tại 40 quốc gia như: Philippines, Malaysia, Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản…
Nghiên cứu được xếp hạng các quốc gia theo thang điểm 100 và dựa trên 4 tiêu chí: Môi trường; Khuôn khổ pháp lý; Cam kết và khả năng của Chính phủ; Sự tham gia của các ngành nghề, tổ chức xã hội dân sự và truyền thông.
[Hành trình đòi công lý cho những đứa trẻ bị xâm hại, bạo hành]
Theo báo cáo, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100 và đứng thứ 37/40. Ba nước xếp cuối là Mozambique, Ai Cập và Pakistan trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada.
Điểm đựa trên các tiêu chí của Việt Nam về môi trường là 59, khuôn khổ pháp lý là 56, cam kết và khả năng của chính phủ đạt 38 điểm trong khi sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông đạt 17 điểm.
Trước kết quả đánh giá này, ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này chưa nhận được thông báo chính thức nào về kết quả nghiên cứu của EIU nhưng đã có tìm hiểu về báo cáo.
Ông Đặng Hoa Nam hoan nghênh những nghiên cứu, đánh giá về công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng kết quả nghiên cứu của EIU chưa đánh giá đúng về công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em của Việt Nam.
“Báo cáo nghiên cứu chưa công khai mịch bạch bộ tiêu chí, phương pháp, thời gian cụ thể thu thập dữ liệu thông tin. Do đó, tôi bày tỏ quan ngại về kết quả nghiên cứu,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Đối với một số tiêu chứ như thu thập dữ liệu, bảo vệ trẻ em trên Internet, sự tham gia của truyền thông… Việt Nam được các chuyên gia chấm 0/100 điểm, ông Đặng Hoa Nam cho rằng những chỉ số điểm này không chính xác.
Ông Nam lý giải, thực tế công tác thu thập số liệu về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em đang được thực hiện qua nhiều kênh thông tin từ: Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, các địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng... theo từng tuần, từng tháng, từng năm. Do đó, nếu chấm 0 điểm công tác thu thập dữ liệu về các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là không chính xác.
Đến nay, chưa có tổ chức dân sự, phi chính phủ nào tại Việt Nam lên tiếng về kết quả xếp hạng này cũng như xác nhận đã cung cấp thông tin cho EIU đánh giá.
“Tôi cho rằng nghiên cứu cần tiếp cận với những nguồn tin chính thống, có thể không từ Chính phủ Việt Nam nhưng có thể từ các tổ chức phi chính phủ, dân sự hoạt động tại Việt nam để có được những đánh giá chính xác hơn,” ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh./.