Ngày 14/9, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã lên tiếng cảnh báo về việc một "Chiến dịch Condor" hay còn được biết đến với tên gọi "Chiến dịch Kền kền" mới đang được triển khai tại Mỹ Latinh, với sự phối hợp của các chính trị gia cánh hữu trùm sò ở khu vực nhằm cô lập các chính phủ tiến bộ.
Phát biểu tại buổi họp báo ở thành phố cảng Guayaquil, phía Tây Ecuador, Tổng thống Correa nhận định xu hướng cánh hữu bảo thủ lên cầm quyền hiện nay ở Nam Mỹ không chỉ dừng lại ở một trào lưu mà đây là một "Chiến dịch Kền kền" mới.
Ông nhấn mạnh ngày nay phe chính trị bảo thủ ở Mỹ Latinh biết rằng người dân sẽ không bao giờ chấp nhận một chính phủ độc tài quân sự, do đó sử dụng phương thức mới đó là cuộc chiến truyền thông, đảo chính tại nghị viện như đã xảy ra tại Brazil, hay cuộc chiến kinh tế.
Với âm mưu tái lập "Chiến dịch Kền kền," phe cánh hữu Mỹ Latinh đang tìm cách hủy hoại những thành quả xã hội đã đạt được ở khu vực trong thời gian cầm quyền của các chính phủ tiến bộ trong những năm gần đây.
Ông này dẫn chứng việc ngay sau khi Tổng thống theo đường lối tự do mới Mauricio Macri lên nhậm chức tại Argentina hồi tháng 12 năm ngoái, ông này đã cho sa thải hàng loạt người lao động, tăng cường kiểm duyệt các phương tiện truyền thông và tăng cường tư nhân hóa.
Tổng thống Correa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Cuộc gặp gỡ các tổ chức tiến bộ Mỹ Latinh lần thứ ba (ELAP 2016), sẽ tổ chức vào cuối tháng này tại Ecuador, với sự tham gia của đại biểu đến từ 80 tổ chức chính trị và thanh niên cánh tả thế giới nhằm thảo luận về những thách thức cũng như giải pháp đương đầu với hoàn cảnh hiện tại ở khu vực.
"Chiến dịch Kền kền" là chiến lược can thiệp vào công việc nội bộ các nước Mỹ Latinh của Chính phủ Mỹ trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Chiến dịch này bao gồm các cuộc đảo chính quân sự, lật đổ các chính phủ tiến bộ, thiết lập các chính phủ độc tài thân Mỹ như trường hợp đảo chính Tổng thống Salvador Allende tại Chile; Tổng thống Isabel Perón tại Argentina và Tổng thống Juan María Bordaberry tại Uruguay, đều diễn ra trong năm 1973.
Chiến dịch này cũng bao gồm việc nhận dạng, thanh trừng, bắt cóc hoặc vô hiệu hóa thành viên phe đối lập bằng cách buộc họ sống lưu vong tại châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào ngoài Nam Mỹ.
Chiến dịch này chỉ chấm dứt sau vụ cựu Ngoại trưởng Chile Orlando Letelier (bị ám sát ngay tại Washington (Mỹ) trong một vụ nổ xe hơi, theo lệnh của nhà độc tài Chile Augusto Pinochet.
Vụ sát hại này không chỉ làm chấn động Chile mà còn làm rung chuyển cả nước Mỹ bởi đây được coi là vụ khủng bố đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ./.