Ecuador, Bolivia xem xét rút khỏi nhân quyền liên Mỹ

Tổng thống Ecuador cho biết nước này và Bolivia sẽ rút khỏi Hệ thống nhân quyền liên Mỹ nếu nó không được cải tổ trong năm tới.
Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, ngày 3/10 cho biết nước này và Bolivia sẽ rút khỏi Hệ thống nhân quyền liên Mỹ nếu nó không được cải tổ trong năm tới.

BolivPhát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống nước chủ nhà Evo Morales khi đang ở thăm Bolivia, ông Correa nêu rõ hai nước sẽ cân nhắc "một cách nghiêm túc" về việc có tiếp tục tham gia hay rút khỏi Hệ thống nhân quyền liên Mỹ, một hệ thống mà theo ông “có những mâu thuẫn rành rành.”

Nhà lãnh đạo Ecuador cho biết đây là một trong những vấn đề được hai tổng thống thảo luận tại thành phố Cochabamba mà theo dự kiến ban đầu có cả sự tham gia của Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro, nhưng vào giờ chót ông Maduro đã hủy tham dự cuộc họp thượng đỉnh thu nhỏ của Liên minh Bolívar cho các dân tộc châu Mỹ (Alba) do bị cúm.

Theo Tổng thống Correa, Hệ thống nhân quyền liên Mỹ là một trong những thể chế thể hiện “chủ nghĩa đế quốc mới,” cũng “hung ác” nhưng “được cải trang tốt hơn.”

Người đứng đầu Nhà nước Ecuador nhắc lại quan điểm rằng Ủy ban nhân quyền liên Mỹ (CIDH) không thể có trụ sở tại Washington vì Mỹ chưa thông qua Công ước về nhân quyền châu Mỹ (CADH), là cơ sở pháp lý của CIDH và của Tòa án nhân quyền liên Mỹ (CorteIDH, có trụ sở tại thủ đô San José của Costa Rica).

Hệ thống nhân quyền liên Mỹ gồm CIDH và CorteIDH. Đây là hai cơ quan của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS). Theo ông Correa, tại hội nghị của OAS năm 2014, tổ chức này phải đưa ra những “thay đổi đáng kể” về trụ sở của CIDH, vấn đề tài chính, và sự bình đẳng trong hệ thống nhân quyền tại châu lục.

Tháng trước Venezuela đã rút khỏi Hệ thống nhân quyền châu Mỹ. Theo một số nhà phân tích, quyết định này sẽ tạo ra hiệu ứng domino tại các đồng minh của Venezuela ở Mỹ Latinh như Bolivia và Ecuador.

Tháng 3 năm nay, Tổng thống Evo Morales tuyên bố Bolivia sẽ xem xét “nghiêm túc” việc rút khỏi CIDH, bị ông ví như một “căn cứ quân sự” của Mỹ, được Washington tài trợ để phán quyết về nhân quyền đối với các nước khác./.

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục