ECOWAS thúc triển khai quân đến Guinea Bissau

ECOWAS đã hối thúc 15 nước thành viên lên kế hoạch triển khai lực lượng quân sự tại hai nước thành viên Mali và Guinea Bissau.
Trong cuộc họp cấp cao bất thường tại Abidjan, Cote D'ivoire ngày 26/4, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã hối thúc 15 nước thành viên lên kế hoạch triển khai lực lượng quân sự tại Mali và Guinea Bissau, nhằm hỗ trợ thực hiện các quyết định của ECOWAS sau khi xảy ra các cuộc đảo chính quân sự tại hai quốc gia thành viên này.

Tuyên bố sau cuộc họp, ECOWAS cho rằng giai đoạn chuyển tiếp tại Mali chỉ nên kéo dài trong một năm kể từ ngày nổ ra đảo chính (22/3). Các lãnh đạo ECOWAS đề nghị Ban chấp hành khối này lập tức đưa quân tới Mali - nơi các nhóm vũ trang đang kiểm soát miền Bắc suốt một tháng qua. ECOWAS cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia đang lan rộng ở miền Bắc Mali, đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu khả năng mở hành lang nhân đạo để cứu trợ dân chúng đang thiếu lương thực và thuốc men tại đây. ECOWAS cũng quyết định hỗ trợ Mali, Burkina Faso và Niger 3 tỷ franc CFA, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng của cuộc nổi dậy ở miền Bắc Mali.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Ban chấp hành ECOWAS Desire Kadre Ouedraogo cho biết ECOWAS đã cho phép huy động ngay lập tức một lực lượng trực chiến tới Mali. Ông Ouedraogo nhấn mạnh: "Nếu tổ chức này không tăng cường hiện diện trên thực địa, các giải pháp thương lượng và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Mali sẽ không mang lại kết quả bền vững."

Theo Thứ trưởng Quốc phòng Cote D'ivoire, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của ECOWAS, lực lượng trên sẽ gồm ít nhất 3.000 binh sỹ, song hiện chưa rõ mỗi nước sẽ đóng góp bao nhiêu quân và cũng chưa có thông tin về các hỗ trợ hậu cần.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Guinea Bissau, các nhà lãnh đạo ECOWAS cho biết một lực lượng quân sự khu vực gồm khoảng 500-600 binh sỹ sẽ được cử tới Guinea Bissau nhằm hỗ trợ quá trình chuyển tiếp tại đây. Ông Ouedraogo cho biết ít nhất 4 quốc gia gồm Nigieria, Togo, Cote D'ivoire và Senagal, sẽ đóng góp quân cho lực lượng này. Đội quân sẽ do ông Barro Gnibanga - một tướng lĩnh quân đội của Burkina Faso đứng đầu.

Ông Ouedraogo kêu gọi các nhà lãnh đạo Tây Phi thể hiện "quyết tâm" trong việc lập lại trật tự hiến pháp và cùng nhau áp dụng "các biện pháp mạnh" để các quyết định của ECOWAS có thể được tất cả các bên chấp nhận và thực thi.

Sau Mali, Guinea Bissau là thành viên thứ hai của ECOWAS phải chứng kiến đảo chính trong vòng chưa đầy một tháng. Lực lượng đảo chính tại đây đã ký thỏa thuận với sáu đảng phái đối lập về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hai năm, sau đó tổ chức tổng tuyển cử. Trong khi đó tại Mali, tình hình phức tạp hơn nhiều khi các tay súng người Tuareg chiếm giữ ba thành phố trọng điểm ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, thành lập nhà nước Azawad, gây chia rẽ Mali./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục