ECOSOC thông qua 22 nghị quyết về kinh tế-xã hội

Ngày 27/7, Hội đồng Kinh tế -Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã thông qua 22 nghị quyết về kinh tế-xã hội và quyền con người.
Ngày 27/7, kết thúc kỳ họp năm 2012, Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã thông qua 22 nghị quyết về kinh tế-xã hội và quyền con người. Các nghị quyết này đề cập các vấn đề kinh tế, xã hội đa dạng từ kiểm soát ma túy, các thách thức mà thanh niên bản xứ đang phải đối mặt, vai trò thiết yếu của gia đình, tác động của việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine,….

Những nghị quyết mới được thông qua cũng kêu gọi các nước hành động nhanh chóng để bảo vệ và đề cao các quyền cơ bản của con người cũng như các vấn đề xã hội đa dạng khác, ủng hộ các quyền của 16 lãnh thổ ủy trị trên thế giới vẫn chưa giành được độc lập.

Các nghị quyết trên cũng nhấn mạnh vai trò quyết định trong hành động của ECOSOC về các xu hướng xã hội đang nổi lên và hỗ trợ xây dựng chương trình nghị sự kinh tế-xã hội ưu tiên cũng như kế hoạch hành động của các nước và các cơ quan Liên hợp quốc trong những năm tới. Sự tham gia của ECOSOC có tầm quan trọng thiết yếu thúc đầy chương trình của Ủy ban Phát triển xã hội của Liên hợp quốc nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Quốc tế gia đình, tăng cường sự hỗ trợ quốc tế đổi với vai trò gia đình như là "tổ ấm" của con người.

Các nghị quyết của ECOSOC nêu bật sự cần thiết phải đảm bảo hệ thống quốc tế kiểm soát ma túy không thể bị suy yếu do các chính sách hoặc hành động không tôn trọng các hiệp ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy. Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế Raymond Yans đã đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn tệ nạn nghiện ma túy, các biện pháp đối với người sử dụng ma túy, hòa nhập xã hội và bảo vệ các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội.

Nghị quyết vừa được ECOSOC thông qua đã đề ra chiến lược cho Cơ quan Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) giai đoạn 2012-2015, trong đó nhấn mạnh việc đẩy nhanh phê chuẩn của các nước thành viên Liên hợp quốc đối với các công quốc quốc tế về kiểm soát ma túy và Công ước Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đồng thời tăng cường cuộc chiến chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, buôn người và buôn bán ma túy. Các nghị quyết của ECOSOC đặc biệt nhấn mạnh các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cũng như các quyền khác của con người, quyền của người cao tuổi trong bối cảnh sự già đi của dân số trở thành xu thế quan trọng toàn cầu.

Các nghị quyết của ECOSOC cũng nêu bật tình cảnh của hơn 800 nghìn người tị nạn bị buộc phải rời bỏ đất nước chạy sang các nước láng giềng do các cuộc xung đột mới đây ở Lybia, Cote D'ivoire, Syria, Somalia và Sudan. Đây là số người tị nạn cao kỷ lục trong vòng một thập kỷ qua./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục