ECB tuyên bố sẵn sàng các biện pháp phù hợp ngăn tác động của COVID-19

Dịch COVID-19 đã tạo ra những mối nguy hiểm cho thị trường tài chính, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như tác động lớn tới ngành du lịch quốc tế.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 2/3 cho biết sẵn sàng hành động do những lo ngại những tác động gia tăng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.

Dịch COVID-19 bùng phát nhanh chóng ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tạo ra những mối nguy hiểm cho thị trường tài chính, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như tác động lớn tới ngành du lịch quốc tế, làm dấy lên lo ngại rằng dịch bệnh sẽ gây thiệt hại lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay.

Trong thông báo của mình, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đánh giá dịch COVID-19 bùng phát rất nhanh và tạo ra rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế, cũng như hoạt động của thị trường tài chính thế giới.

[Dịch COVIV-19: "Cái khó ló cái khôn" tại Trung Quốc đại lục]

Bà cũng cho biết ECB sẵn sàng thực hiện các biện pháp phù hợp và tương xứng đối với các rủi ro tiềm ẩn.

Dự kiến Hội đồng Quản trị của ECB sẽ tổ chức cuộc họp về chính sách tiền tệ vào ngày 12/3 tới đây tại thành phố Frankfurt, Đức.

Giới quan sát cho rằng diễn biến thị trường sẽ phụ thuộc vào mức độ an tâm mà thị trường nhận được từ các thông điệp của các ngân hàng trung ương.

Trong những năm gần đây, ECB đã đưa ra các biện pháp kích thích chưa từng có để thúc đẩy nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng như giảm tình trạng lạm phát của khối này như thiết lập lãi suất ở mức thấp kỷ lục, cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp cho các ngân hàng và mua hơn 2.600 tỷ euro (tương đương 2.900 tỷ USD) trái phiếu của doanh nghiệp và chính phủ.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, ECB dự kiến sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ của mình trong một thời gian.

Hiện, giới chuyên gia kinh tế đề nghị ngân hàng trung ương các nước xem xét cắt giảm lãi suất ngân hàng ở mức sâu hơn đối với các khu vực đang chịu tác động của dịch COVID-19.

Cùng chung tay đối phó với dịch COVID-19, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Anh cũng cho biết sẵn sàng hành động nếu dịch COVID-19 tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế thế giới.

Về phía Nhật Bản, trong tuyên bố của mình, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ngày 2/3 cũng tuyên bố sẽ cố gắng cung cấp thanh khoản dồi dào và bảo đảm sự ổn định trên thị trường tài chính.

Cùng ngày, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn 2,4% so với dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 11/2019. Nếu dự báo này xảy ra, đây là mức tăng trưởng thấp nhất của kinh tế thế giới từ năm 2009.

Tại Đức, đất nước đầu tàu kinh tế của châu Âu, Bộ trưởng Tài chính nước này Olaf Scholz cũng cho biết chính phủ Đức sẵn sàng khởi động gói kích thích tài khóa của nước này nếu tình hình tiếp tục xấu đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục