ECB tung biện pháp bất ngờ ngăn giảm phát trong Eurozone

Tại cuộc họp ngày 4/9 tại Frankfurt (Đức), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt 10 điểm cơ bản.
ECB tung biện pháp bất ngờ ngăn giảm phát trong Eurozone ảnh 1Trụ sở của ECB tại Frankfurt am Main, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại cuộc họp ngày 4/9 tại Frankfurt (Đức), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bất ngờ đồng loạt giảm các lãi suất chủ chốt đi 10 điểm cơ bản, xuống mức thấp kỷ lục, đồng thời công bố chương trình mua chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) và chứng khoán có đảm bảo, nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát cũng như khơi thông dòng vốn tín dụng trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Như vậy, bắt đầu từ ngày 10/9, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tiền gửi trong Eurozone sẽ giảm lần lượt xuống còn 0,05% và -0,20%. Các biện pháp này cho thấy các quan chức ECB ngày càng lo ngại về thể trạng của Eurozone.

Sau khi ECB thông báo quyết định nói trên, giá đồng euro đã giảm 0,9%, xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua là 1 euro = 1,3022 USD.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách thường kỳ tháng Chín, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho hay ECB sẽ bắt đầu tiến hành chương trình mua ABS và trái phiếu có đảm bảo từ tháng Mười tới để nới lỏng các điều kiện tín dụng trong Eurozone.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho hay chương trình này có thể trị giá lên tới 500 tỷ euro (650 tỷ USD) trong vòng ba năm.

Như vậy, khác với dự báo của nhiều nhà phân tích, ECB đã chọn chương trình mua ABS và trái phiếu có đảm bảo thay vì triển khai chương trình nới lỏng định lượng (QE), một chương trình mua trái phiếu quy mô lớn hơn mà nhiều ngân hàng trung ương đang thực hiện, để bơm tiền vào nền kinh tế.

Ông Draghi cho hay Hội đồng Giám sát ECB đi tới đồng thuận rằng nếu lạm phát duy trì "ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài", ECB sẽ tiến hành các biện pháp khác thường để ngăn chặn nguy cơ giảm phát.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngay lập tức lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quyết định khá bất ngờ của ECB, một bước đi nhằm tháo gỡ tình trạng tăng trưởng trì trệ cũng như ngăn chặn mối nguy giảm phát trong Eurozone.

Sức ép buộc ECB phải hành động đang gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Eurozone quý 2/2014 chững lại, lạm phát tháng Tám giảm xuống 0,3% so với 0,4% trong tháng trước đó và cuộc khủng hoảng Ukraine đang đè nặng lên lòng tin kinh doanh.

Các số liệu mới công bố này càng làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ giảm phát, đồng thời “đẩy” Eurozone ngày càng xa mục tiêu lạm phát dưới 2% mà ECB đã đề ra.

Tại cuộc họp chính sách hàng tháng ngày 4/9, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone gồm 18 thành viên trong năm 2014 và 2015 xuống lần lượt 0,9% và 1,6%, hạ dự báo lạm phát năm 2014 từ 0,7% xuống 0,6%, song giữ nguyên dự báo lạm phát năm 2015 và 2016 ở mức 1,1% và 1,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục