Sự phục hồi kinh tế tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt được nền tảng nhất định và một vài số liệu mới đây đã cho thấy khu vực này vẫn ghi nhận đà tăng trưởng trong quý 1/2017, bất chấp việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sự tái cân bằng của Trung Quốc và các chính sách mới của Mỹ vẫn "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế của Eurozone.
Trong bản báo cáo thường kỳ vừa được công bố ngày 23/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết: "Các kết quả khảo sát mới đây càng củng cố thêm lòng tin của Hội đồng điều hành ECB rằng đà tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ tiếp tục vững vàng và mạnh mẽ hơn nữa."
Theo ECB, thương mại toàn cầu - "chìa khóa" thúc đẩy tăng trưởng - dường như đang lấy lại động lực và bất chấp chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng từ những tuyên bố của chính quyền Mỹ trao đổi thương mại trên thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hòa nhịp cùng các hoạt động trên toàn cầu.
Sau cuộc bầu cử hồi tháng 11/2016 với việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Washington đã quay lưng với các cam kết mở cửa và tự do thương mại trước đó, đồng thời kêu gọi việc xem xét lại một số thỏa thuận thương mại và thiết lập hàng rào thuế quan với lập luận để lập lại "công bằng" trong thương mại.
Tuy vậy, ECB cảnh báo rằng nguy cơ bất ổn kinh tế tại Eurozone nói riêng và trên toàn cầu nói chung vẫn còn khá cao, đặc biệt là do sự thiếu rõ ràng trong chính sách của tân Tổng thống Mỹ với khẩu hiểu "Nước Mỹ trên hết."
Ngoài ra, dù tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, nhưng ECB cho rằng đà tăng tỷ lệ lạm phát sẽ yếu đi do giá dầu dần ổn định hơn. Trải qua nhiều năm chật vật chống tình trạng lạm phát siêu thấp, ECB vẫn lo ngại rằng sự gia tăng giá hàng hóa thời gian gần đây chỉ là tạm thời do giá dầu phục hồi, và điều này buộc ECB sẽ phải tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế.
Ngân hàng này lưu ý mức tăng lương cho người lao động tại Eurozone, điều kiện quan trọng để đẩy lạm phát lên, vẫn còn thấp do sự trì trệ của nền kinh tế và tăng trưởng sản lượng yếu./.