ECB tiếp tục tăng quỹ khẩn cấp cho Hy Lạp thêm 200 triệu euro

ECB tiếp tục tăng mức trần quỹ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 200 triệu euro, như vậy, tổng quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) của ECB đạt 80,2 tỷ euro.
ECB tiếp tục tăng quỹ khẩn cấp cho Hy Lạp thêm 200 triệu euro ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, nguồn tin ngân hàng Hy Lạp cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng mức trần quỹ khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp thêm 200 triệu euro (220 triệu USD).

Như vậy, tổng quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) của ECB đạt 80,2 tỷ euro.

Tuy nhiên, đây là lần tăng ít nhất trong loạt động thái tương tự mà ECB thực hiện trong vài tháng qua nhằm hỗ trợ các ngân hàng của đất nước Nam Âu đang ngập trong nợ nần này.

Hy Lạp hiện đang cạn kiệt tiền mặt khi thời hạn thanh toán nợ công đã cận kề, đàm phán tái cơ cấu nợ vẫn bế tắc làm đóng băng khoản cứu trợ 7,2 tỷ euro.

Ngày 20/5, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố, Athens không có khả năng trả nợ cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khoản tiền thứ nhất 300 triệu euro vào thời hạn 5/6 tới nếu không có tiền cứu trợ, khả năng thanh toán gói tháng Sáu 1,5 tỷ euro cho IMF lại càng vô vọng, đó là còn chưa nói đến tiền để trả lương và lương hưu.

Tuy nhiên, chính phủ phản đối "thắt lưng buộc bụng" của Thủ tướng Tsipras vẫn từ chối không chịu chấp nhận các yêu cầu từ chủ nợ quốc tế về tiến hành cải cách thị trường lao động và lương hưu, cắt giảm chi tiêu và quan trọng nhất là tăng thuế.

Ngoài ra ông Tsipras vẫn đưa ra những tuyên bố tự tin về kết quả đàm phán, thậm chí hy vọng sẽ thuyết phục được các lãnh đạo châu Âu đi đến một thỏa thuận chính trị phá thế bế tắc cho Hy Lạp tại Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" ở Riga trong tuần này.

Trong lúc này, hãng xếp hạng uy tín Moody's cho rằng rất có khả năng Athens sẽ áp dụng quy định kiểm soát tiền tệ và đóng băng các khoản tiền gửi ngân hàng nhằm đối phó với tình trạng rút vốn khi chỉ từ đầu tháng 12/2014 đến cuối tháng 3/2015, các chủ đầu tư tư nhân và doanh nghiệp đã rút hơn 26 tỷ euro ra khỏi nền kinh tế nước này do lo sợ về khả năng đất nước phá sản và ra khỏi Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cũng đã phải rút lại lời cam đoan từ năm 2012 rằng Hy Lạp sẽ không thể phá sản, khi cho rằng trong tình huống hiện nay cần "suy nghĩ rất kỹ" trước khi nhắc lại dự báo.

Ông Schaeuble cũng phủ nhận khả năng có gói cứu trợ thứ ba cho Hy Lạp khi hai gói trước chưa được hoàn tất, trong đó gói thứ hai đã được gia hạn hai lần cho đến cuối tháng Sáu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục