Bất chấp sự hỗn loạn trên thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có trụ sở tại thành phố Frankfurt/Main ở Đức tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhằm kiềm chế lạm phát.
Đây là mức lãi suất cao nhất của ECB kể từ cuối năm 2008.
Hội đồng quản trị ECB ngày 16/3 đã quyết định nâng các mức lãi suất chính thêm 50 điểm cơ bản (0,5%), trong đó lãi suất tái cấp vốn chủ chốt sẽ được tăng lên 3,5%, lãi suất cho vay cận biên tăng lên 3,75% và lãi suất tiền gửi qua đêm tăng lên 3%. Các mức lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 22/3/2023.
Quyết định này của ECB đã được hầu hết giới chuyên môn và nhà đầu tư kỳ vọng, nhất là khi Giám đốc ECB, bà Christine Lagarde, đã nhiều lần đề cập tới bước đi này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới hỗn loạn xung quanh vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), tình hình chung đã có những thay đổi đáng kể trong vài ngày qua.
Không chỉ ở Mỹ xảy ra tình trạng bất ổn đáng kể trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse cũng đang gặp khó khăn và được cho phải vay Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ 50 tỷ Franken để đảm bảo thanh khoản. Điều này khiến giới chuyên môn nhận định về khả năng thay đổi kế hoạch tăng lãi suất của ECB.
Với quyết định tiếp tục tăng lãi suất, ECB đang cố gắng phản ứng với tình trạng lạm phát cao ở Khu vực Eurozone, vốn lên mức 8,5% trong tháng 2/2023 sau khi chạm mức 8,6% trong tháng trước đó. Mức lạm phát lõi, hay lạm phát không tính các biến động mạnh như giá năng lượng và lương thực, đã tăng từ 5,3% lên 5,6% - mức cao nhất trong lịch sử của liên minh tiền tệ châu Âu.
ECB cũng đã nâng dự báo tăng trưởng tại khu vực Eurozone trong năm 2023 lên 1%, nhờ giá năng lượng giảm và “khả năng chống chịu mạnh mẽ hơn trong môi trường quốc tế đầy biến động."
[Vụ Silicon Valley phá sản: Fed đau đầu với quyết định lãi suất]
Trước đó, ECB dự báo mức tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2023 là 0,5%. Thông báo của ECB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 đạt 1,6%. Các mức dự báo này thấp hơn so với con số lần lượt là 1,9% và 1,8% trong dự báo trước đó.
Tuyên bố của ECB cũng khẳng định lĩnh vực ngân hàng trong Eurozone “có sức chống chịu tốt” trong bối cảnh những rối loạn trên thị trường sau vụ hai ngân hàng lớn của Mỹ liên tiếp đóng cửa.
Theo Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng công liên bang Đức, bà Iris Bethge-Krauß, trong tình huống khó khăn hiện nay, ECB phải có động thái để chống lại tình trạng lạm phát kéo dài, giới hạn mặt bằng giá.
Nhiều câu hỏi đã đặt ra về sự can dự của các cơ quan giám sát tiền tệ trong vài ngày qua sau sự sụp đổ của Ngân hàng SVB trong khi Ngân hàng Credit Suisse cũng đang gặp khó khăn, phải đối mặt với những khoản lỗ lớn trên thị trường chứng khoán.
Câu hỏi đặt ra là liệu ngoài các hình thức hỗ trợ khác cho các ngân hàng, có cần phải từ bỏ việc tăng lãi suất trong khu vực đồng euro hay không. Tuy nhiên, nếu hệ thống ngân hàng sụp đổ, tỷ lệ lạm phát thấp cũng không giúp được gì nhiều.
Giáo sư kinh tế học Volker Wieland cho rằng ECB và FED đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" và cách tốt nhất là giải quyết các vấn đề của các ngân hàng một cách nhanh chóng và thuyết phục mà không mất quá nhiều sức vào mặt trận lạm phát.
Chủ tịch Viện Ifo của Đức, ông Clemens Fuest, trước đó cũng đã lên tiếng ủng hộ việc ECB kiên trì với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản như đã công bố./.