ECB sẽ tung ra kế hoạch mua 50 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng

ECB ngày 22/1 tiến hành thảo luận các đề xuất liên quan tới chương trình mua trái phiếu quy mô lớn còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng.
ECB sẽ tung ra kế hoạch mua 50 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng ảnh 1Trụ sở của ECB ở Frankfurt. (Nguồn: Reuters)

Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 22/1 tiến hành thảo luận các đề xuất liên quan tới chương trình mua trái phiếu quy mô lớn còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE).

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin từ Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cho hay trước cuộc họp này, Ban điều hành ECB đưa ra đề xuất mua 50 tỷ euro (khoảng 58 tỷ USD) trái phiếu mỗi tháng từ tháng Ba tới và chương trình này sẽ được thực hiện cho tới cuối năm 2016. ECB chưa bình luận gì về thông tin này.

Trong khi đó, theo nhận định của Sassan Ghahramani, Giám đốc điều hành công ty tư vấn SGH Macro Advisors có trụ sở tại New York, ECB có thể sẽ tung ra QE trị giá trên 500 tỷ euro.

Cuộc thăm dò ý kiến các nhà giao dịch tiền tệ do Reuters tiến hành đầu tuần này cho hay giới giao dịch dự báo ECB sẽ triển khai chương trình QE trị giá 600 tỷ euro, mặc dù họ cho rằng kế hoạch này cũng chưa đủ để đưa lạm phát tại Eurozone tiến gần tới mục tiêu xấp xỉ 2%.

Trước thềm cuộc họp, ý kiến của giới phân tích, chuyên gia kinh tế và các bên tham gia thị trường đều cho rằng ECB sẽ tung ra chương trình QE, được coi là "vũ khí" sắc bén nhất của ngân hàng này trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng trong Eurozone, bất chấp sự phản đối của Ngân hàng trung ương Đức.

Chính phủ Đức lo ngại việc ECB tung ra QE có thể khiến các nước đang tiến hành biện pháp khắc khổ giảm bớt nỗ lực cải cách kinh tế.

Chủ tịch ECB Mario Draghi nhiều lần nói rằng ECB không có lựa chọn nào khác ngoài QE để đối phó với nguy cơ giảm phát. Tháng 12/2014, lạm phát tại Eurozone lần đầu tiên rơi vào ngưỡng âm trong hơn 5 năm qua, khi giá tiêu dùng giảm 0,2% so với một năm trước đó.

Việc giá dầu thô giảm gần 60% kể từ tháng 6/2014 là yếu tố làm tình trạng giá tiêu dùng giảm thêm xấu đi và đẩy khu vực này tới gần hơn nguy cơ giảm phát.

ECB đã triển khai nhiều biện pháp chống giảm phát như hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, bơm một lượng vốn chưa từng có với lãi suất thấp cho các ngân hàng thông qua chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu, tiến hành chương trình mua chứng khoán bảo đảm bằng tài sản và chứng khoán có đảm bảo, song vẫn do dự trong quyết định tung ra gói QE./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục