Phát biểu tại một diễn đàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 14/5, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đã nói chương trình kích thích kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ vẫn được thực hiện chừng nào còn cần thiết để ổn định giá cả, và lấy lại niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khi nền kinh tế và lạm phát tại Eurozone gần đây đã được cải thiện, có dự đoán ECB sẽ kết thúc sớm chương trình mua tài sản trị giá 1.100 tỷ euro (1.300 tỷ USD).
ECB tuyên bố chương trình nới lỏng định lượng được khởi động từ tháng Ba với việc mua 60 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng sẽ được kéo dài ít nhất là đến tháng 9/2016 và ông Draghi tái khẳng định cam kết này.
Ông cho rằng sau gần bảy năm lao đao vì khủng hoảng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn rất thận trọng, do vậy vẫn cần thêm thời gian trước khi có thể tuyên bố chương trình kích thích đã thành công và chương trình này sẽ vẫn được thực hiện chừng nào còn cần thiết để đạt mục tiêu ổn định giá cả một cách vững chắc.
Ông Draghi nói các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ lớn được triển khai từ tháng 6/2014, bao gồm các hoạt động tái cấp vốn dài hạn với lãi suất thấp cho các ngân hàng, đã có hiệu quả ở một số nước Eurozone.
Ông cho biết cả triển vọng lạm phát và tăng trưởng đã được cải thiện đáng kể, và lòng tin tiêu dùng đang trên đà tăng. Tuy nhiên, điều cần thiết là có được tác động đồng đều lên đầu tư, tiêu dùng và lạm phát, và để đạt được điều đó, ECB sẽ thực thi đầy đủ chương trình mua trái phiếu như đã thông báo và cho đến khi lạm phát tăng ổn định.
Theo số liệu được công bố đầu tuần, kinh tế Eurozone đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hai năm và giá tiêu dùng ở khu vực này đã dừng được đà giảm trong tháng trước, bớt đi lo ngại về nguy cơ khu vực rơi vào vòng xoáy bất lợi cho tăng trưởng khi người tiêu dùng trì hoãn chi tiêu để chờ giá giảm hơn./.