Ngày 18/6, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thông báo ngân hàng này sẵn sàng cắt giảm lãi suất và tái khởi động chương trình mua trái phiếu để hỗ trợ nền kinh tế nếu cần thiết.
Phát biểu tại hội nghị của ECB ở Sintra, Bồ Đào Nha, ông Draghi cho biết việc tiếp tục cắt giảm lãi suất vẫn nằm trong danh sách những công cụ có thể được ECB cân nhắc đồng thời cho biết thêm khả năng tái khởi động chương trình mua trái phiếu là "đáng kể."
Việc mua vào trái phiếu (nới lỏng định lượng) sẽ giúp ECB bơm trực tiếp tiền mới vào hệ thống tài chính với hy vọng thúc đẩy các hoạt động cho vay và phát triển kinh tế.
[ECB: Vị thế đồng euro được cải thiện mạnh mẽ trong năm 2018]
Khả năng này được nhắc tới chỉ 6 tháng sau khi ECB chấm dứt chương trình mua trái phiếu trị giá 2.600 tỷ euro (2.900 tỷ USD), giúp bơm tiền vào hệ thống tài chính của Khu vực đồng tiên chung châu Âu (Eurozone) trong gần 4 năm, nhằm nâng chỉ số lạm phát lên mức cao hơn.
Hiện, mức lạm phát tại eurozone là 1,2%, thấp hơn mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra và cho là tốt nhất với nền kinh tế khu vực này.
Các triển vọng tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng bị đè nén bởi những bất ổn như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, vốn được coi là có thể khiến các loại thuế gia tăng còn trao đổi thương mại thì giảm.
Ngoài ra, tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU) rối loạn cũng là một yếu tố tác động không nhỏ.
Ông Draghi cho biết nếu chỉ số lạm phát không khả quan hơn thì các biện pháp kích cầu là điều cần xét tới đồng thời nhấn mạnh ECB sẽ tìm mọi cách trong quyền hạn của mình để đẩy chỉ số lạm phát lên mức mục tiêu.
ECB là ngân hàng đặt ra chính sách tiền tệ cho 19 quốc gia thuộc EU đã tham gia eurozone.
ECB thường điều chỉnh các mức lãi suất cơ bản và nếu cần thiết cũng vận dụng các công cụ tài chính để đạt mức lạm phát đề ra.
Các động thái của ECB có tác động trên diện rộng tới hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng, tình hình tài chính của các ngân hàng, các doanh nghiệp và chính phủ.
Việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp chi phí đi vay rẻ hơn, nhưng đồng nghĩa lãi suất tiền gửi cũng thấp hơn.
Trong khi đó, việc sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ sẽ khiến giá các tài sản như các cổ phiếu và trái phiếu tăng nhưng khiến tỷ giá đồng euro so với USD giảm.
Tuyên bố trên lập tức được thị trường đánh giá như dấu hiệu về khả năng các biện pháp sẽ sớm được đưa ra trong vòng vài tháng tới và khiến giá trị đồng euro so với đồng USD giảm từ mức 1 euro đổi 1,1241 USD xuống còn 1,1189 USD.
Việc ECB chuyển hướng sang ủng hộ các biện pháp kích thích tiền tệ cũng khá tương đồng với quan điểm hiện tại của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Fed thời gian qua đã bắt đầu tạm dừng một loạt các đợt tăng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell từng cho biết ngân hàng này đã chuẩn bị cho trường hợp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đe dọa nền kinh tế Mỹ. Giới đầu tư cho rằng những phát biểu này là dấu hiệu cho thấy Fed có thể cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch của ECB không được Tổng thống Mỹ Donald Trump đón nhận.
Ông Donald Trump chỉ trích ECB "thả nổi" việc sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ, giúp EU cạnh tranh dễ dàng hơn "một cách bất công" so với Mỹ.
Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Mỹ cho rằng việc ông Mario Draghi tuyên bố có khả năng sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ lập tức khiến giá trị đồng euro so với USD giảm và giúp EU cạnh tranh dễ dàng "một cách bất công" với Mỹ.
Sau khi thị trường có phản ứng tích cực trước các phát biểu của lãnh đạo ECB, ông Donald Trump cũng lập tức chia sẻ "Các thị trường tài chính châu Âu tăng điểm sau các bình luận (không công bằng với Mỹ) của ông Mario D."
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Trump đã theo đuổi chính sách sẵn sàng "tuyên chiến" với mọi hành động bị cho là "lợi dụng Mỹ" từ các đối tác thương mại toàn cầu./.