ECB quyết ngăn chặn lạm phát cao ''bắt rễ'' trong nền kinh tế

Các động thái điều chỉnh lãi suất mạnh tay là "công cụ chính” thể hiện quyết tâm của ECB trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% do chính họ đề ra.
ECB quyết ngăn chặn lạm phát cao ''bắt rễ'' trong nền kinh tế ảnh 1Đồng tiền Euro tại ngân hàng ở Heidelberg, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ngày 20/9 cho hay ngân hàng này quyết tâm ngăn chặn lạm phát tăng cao trở thành “điều bình thường,” khi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gây áp lực lên giá cả trong thời gian dài.

Trong một bài phát biểu tại Frankfurt, bà Lagarde cho hay hai "cú sốc" trên đã dẫn đến việc giá tiêu dùng tăng cao hơn và trong thời gian dài hơn nhiều so với dự kiến.

Đồng thời, bà Lagarde cho biết thêm rằng ngân hàng trung ương phải đảm bảo lạm phát cao kỷ lục hiện thời không “bắt rễ” trong nền kinh tế.

[Liên minh châu Âu nhấn mạnh kỷ luật tài khóa và chống lạm phát]

Tại cuộc họp gần nhất vào đầu tháng này, ECB đã tăng lãi suất ở mức kỷ lục 75 điểm cơ bản để tìm cách kiềm chế sự gia tăng giá tiêu dùng.

Quyết định gây sốc được đưa ra chỉ vài tuần sau khi ngân hàng này tăng lãi suất lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, chấm dứt thời kỳ lãi suất âm.

Bà Lagarde cho biết các động thái điều chỉnh lãi suất mạnh tay là "công cụ chính" thể hiện quyết tâm của ECB trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% do chính họ đề ra. Trong tương lai gần, ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa tại một số cuộc họp tiếp theo.

Chủ tịch ECB nói thêm rằng tốc độ và quy mô các đợt tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào triển vọng lạm phát.

Hiện lạm phát tăng vọt chủ yếu do những cú sốc kinh tế của đại dịch COVID-19 cùng xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng phi mã.

Theo bà Lagarde, việc châu Âu cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ dẫn tới những tác động trong vài năm và khiến giá năng lượng tăng cao.

Trong khi đó, những tắc nghẽn trong đại dịch sẽ dẫn đến việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng với chi phí cao hơn.

Trong cả hai trường hợp trên, những hạn chế về nguồn cung có khả năng sẽ kéo dài hơn dự kiến, đồng nghĩa tác động lạm phát của những cú sốc đó sẽ cần nhiều thời gian hơn để biến mất.

Lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên 9,1% trong tháng 8/2022, mức cao nhất mọi thời đại. Các nhà phân tích thậm chí dự đoán tỷ lệ này có thể lên tới hai con số vào cuối năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục