ECB không có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất

Hiện lãi suất của ECB thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất của Fed. Điều này có nghĩa là ECB có ít dư địa hơn so với Fed và một số ngân hàng khác trong việc nới lỏng chính sách của mình.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở hai bên bờ Đại Tây Dương đều đang phải chịu áp lực từ nhiều phía như giới chính trị, thị trường tài chính, dư luận trong việc điều hành chính sách lãi suất.

Theo đồn đoán của các thị trường, rất có khả năng các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất trong cuộc họp thường kỳ tháng Chín.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ có ít dư địa hơn so với các ngân hàng trung ương khác.

Lạm phát toàn cầu đang “hạ nhiệt,” chuyển dần về hướng mục tiêu 2% dù tiến triển chưa như kỳ vọng. Nhưng nỗi lo suy thoái vẫn còn dai dẳng, bất kể các dữ liệu đầu vào tương đối tốt.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo ra một số lượng lớn việc làm mỗi tháng (đã giảm bớt trong hai tháng gần đây, nhưng vẫn ở mức cao).

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế tại Khu vực đồng euro phần nào đã được cải thiện, nếu xét trên triển vọng trung bình dài hạn.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào đầu tháng Tám vừa qua, sau khi có thông tin tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ tăng vọt, đã khiến các nhà quan sát hoảng sợ.

Nhưng cả ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall, bao gồm S&P 500, Nasdaq và Dow Jones, đã tăng trở lại chỉ vài tuần sau đó.

Với lạm phát đang trên đà giảm và thị trường lao động có xu hướng ổn định, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất, ngay tại cuộc họp tháng Chín này, sẽ là một tín hiệu khích lệ đối với các thị trường, trong khi vẫn duy trì được lập trường hạn chế cần thiết để ngăn chặn giảm phát và đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên về kinh tế Jackson Holes của Fed tổ chức giữa tháng Tám, Chủ tịch Jerome Powell "bật đèn xanh" về quyết định hạ lãi suất, khi nói rằng “hướng đi đã rõ ràng.”

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ có những bước đi tương tự Fed. Lạm phát tiêu dùng của Anh đã quay về mức mục tiêu 2% vào tháng 5/2024, nhưng vẫn đang ó nguy cơ tăng trở lại.

Điểm khác biệt chính giữa BoE và Fed đó là BoE đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 1/8, đưa lãi suất từ mức cao nhất trong 16 năm trở về ngưỡng 5%.

Điều này cho thấy trong cuộc họp tháng Chín, khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất của các nhà hoạch định chính sách BoE không mạnh bằng Fed.

Phần lớn các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters tin rằng BoE sẽ cắt giảm lãi suất lần tiếp theo vào tháng 11, thay vì tháng Chín, khi lạm phát tăng trở lại trên mức mục tiêu.

ttxvn_ECB.jpg
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

ECB cũng đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 7/6, đưa lãi suất cơ bản từ mức đỉnh điểm 4% xuống còn 3,75%.

Hiện lãi suất của ECB thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với lãi suất của Fed. Điều này có nghĩa là ECB có ít dư địa hơn so với Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác trong việc nới lỏng chính sách của mình.

Theo số liệu chính thức, lạm phát của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm vào tháng 8/2024.

Giá tiêu dùng tháng 8/2024 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 2,6% vào tháng 7/2024, khiến con số này chỉ cách mục tiêu của ECB một chút.

Lạm phát lõi (loại trừ các yếu tố biến động mạnh như giá năng lượng và thực phẩm) được theo dõi chặt chẽ, vẫn ở mức cao 2,8% trong tháng 8/2024, trong khi lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ lại tăng tốc.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị ECB cần duy trì lập trường hạn chế vừa phải để có thể ngăn chặn giảm phát hơn nữa. Như nhà kinh tế trưởng của ECB, Philip Lane, đã chia sẻ tại Hội nghị Jackson Hole, "mục tiêu quay trở về ngưỡng lạm phát 2% vẫn chưa chắc chắn."

Chủ tịch ECB Christine Lagarde thường tuyên bố rằng cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của EU không tuân theo hướng đi của Fed. ECB có lộ trình của riêng mình, vì hai nền kinh tế có cấu trúc và tốc độ phát triển khác nhau.

Rất có thể những gì mà Chủ tịch ECB chia sẻ sẽ được chứng minh tại cuộc họp chính sách vào ngày 12/9./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục