ECB kêu gọi tạo thuận lợi cho hoạt động sáp nhập ngân hàng

Mặc dù các quy định và việc giám sát lĩnh vực ngân hàng ở Liên minh châu Âu được tập trung hóa, các thị trường ngân hàng vẫn bị hạn chế ở phạm vi quốc gia.

Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Francois Villeroy de Galhau, hoạt động sáp nhập qua biên giới giữa các ngân hàng ở châu Âu nên được tạo thuận lợi như trong cùng một quốc gia.

Mặc dù các quy định và việc giám sát lĩnh vực ngân hàng ở Liên minh châu Âu được tập trung hóa, các thị trường ngân hàng vẫn bị hạn chế ở phạm vi quốc gia.

Theo ông Villeroy, người cũng là Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, việc để hoạt động sáp nhập qua biên giới giữa các ngân hàng trong liên minh tiền tệ diễn ra một cách đơn giản, thuận lợi như giữa các ngân hàng trong cùng một quốc gia là điều được mong đợi, hợp lôgic và bình thường.

Ông nói thêm rằng các quy định hiện nay cho phép sáp nhập, nhưng các khoản phụ phí ở một số nước chủ nhà áp dụng với các chi nhánh là quá quá cao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tháng này đã nói lĩnh vực ngân hàng của châu Âu cần tăng cường hợp nhất, dù điều đó có nghĩa một ngân hàng lớn ở Pháp có thể bị một đối thủ cũng ở châu Âu thâu tóm.

Trước đó, đề nghị sáp nhập gần đây với Banco Sabadell SA của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria, S.A. (BBVA) có thể tạo đà cho sự chuyển mình của lĩnh vực ngân hàng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), khi đưa BBVA vào nhóm ngân hàng có giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD và trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị thị trường.

BBVA đã đưa ra đề nghị sáp nhập với Banco Sabadell, một diễn biến đã gây tranh luận về hoạt động sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu.

Thương vụ này sẽ đưa BBVA gia nhập nhóm ngân hàng có tổng giá trị tài sản trên 1.000 tỷ USD ở Eurozone, chỉ sau các ngân hàng lớn như BNP Paribas, Crédit Agricole, Banco Santander SA, Société Générale SA, và Deutsche Bank AG.

Ngoài ra, thỏa thuận này sẽ đưa BBVA trở thành ngân hàng lớn thứ ba trong khu vực về giá trị vốn hóa thị trường với ước tính đạt gần 65 tỷ USD, chỉ sau BNP Paribas và Banco Santander.

Nhà phân tích Chris Hallam của Goldman Sachs cho rằng cơ sở của thỏa thuận là tiềm năng doanh thu và khả năng cắt giảm chi phí, khi các hoạt động kinh doanh tại Tây Ban Nha của hai ngân hàng này chồng chéo nhau.

Theo số liệu năm 2023, doanh thu và lợi nhuận ròng của BBVA sau khi sáp nhập có thể tăng 17%, với các khoản vay tăng 40% và các tài sản tính theo rủi ro tăng 22%.

Mặc dù triển vọng hứa hẹn, ông Hallam nêu lên những thách thức của các vụ sáp nhập giữa các ngân hàng của các nước trong khu vực, do cơ chế pháp lý ngặt nghèo và sự phức tạp của hoạt động này khiến các vụ sáp nhập quy mô lớn ít khả thi hơn.

Hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng ở châu Âu đã chững lại trong năm 2023, giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất là 6 năm, với quý IV/2023 là quý yếu nhất kể từ trước năm 2018.

Tuy nhiên, S&P Global nhận định hoạt động M&A của các ngân hàng ở châu Âu được cho là sẽ tăng tốc trong năm 2024, nhờ lạm phát giảm và giá trị thỏa thuận thấp hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tài chính và tư vấn.

Hồi tháng 1/2024, ngân hàng Crédit Agricole SA của Pháp đã mua 7% cổ phần của tập đoàn thanh toán Worldline SA có trụ sở tại Paris.

Còn ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS cho biết lợi nhuận ròng trong quý I/2024 đã tăng 71% lên gần 1,8 tỷ USD sau hai quý thua lỗ do việc tiếp quản ngân hàng Credit Suisse. UBS cho biết doanh thu đã tăng 46% lên 12,7 tỷ USD trong kỳ báo cáo.

Theo thông báo chính thức, thu nhập của ngân hàng đầu tư thuộc UBS - dự án lớn nhất trong vụ sáp nhập với Credit Suisse - đã tăng 16% nhờ môi trường thị trường thuận lợi hơn, bên cạnh hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng như hoạt động M&A tốt hơn.

Vào tháng 3/2023, Chính phủ Thụy Sỹ đã thúc đẩy UBS thực hiện thương vụ tiếp quản trị giá 3,25 tỷ USD để ngăn chặn Credit Suisse phá sản - điều sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính toàn cầu.Kết quả ba tháng đầu năm 2024 là thời điểm ngân hàng nhìn lại quá trình kể từ khi sáp nhập Credit Suisse.

Giám đốc điều hành (CEO) UBS, ông Sergio Ermotti cho biết: “Hơn một năm trước, chúng tôi được yêu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính Thụy Sỹ và toàn cầu thông qua việc mua lại Credit Suisse và chúng tôi đang thực hiện các cam kết của mình.”

Theo ông, kết quả của quý 1/2024 đánh dấu sự phục hồi lợi nhuận ròng và sự gia tăng về tích lũy vốn của ngân hàng.

Đây là những minh chứng cho sức mạnh của UBS cùng các khách hàng, cũng như khả năng của UBS trong việc đạt được tiến bộ đáng kể trong những kế hoạch kết hợp giữa hai ngân hàng, đồng thời tích cực tối ưu hóa nguồn tài chính của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục