ECB kêu gọi các ngân hàng thành viên không chia cổ tức

Tuyên bố của ECB cho biết biện pháp này sẽ tăng khả năng của các ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn trong thời gian đại dịch.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền Tây nước Đức, ngày 12/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 27/3 đã kêu gọi các ngân hàng Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đóng băng việc thanh toán cổ tức "ít nhất cho đến tháng 10/2020" để bảo toàn tính thanh khoản có thể được dùng để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

ECB cũng đề nghị các ngân hàng không mua lại cổ phiếu, một công cụ khác để thưởng cho các cổ đông.

Đề xuất của ECB sẽ ảnh hưởng tới lợi tức trong các năm tài chính 2019 và 2020.

[Deutsche Bank dự báo Đức sẽ thiệt hại tới 1.500 tỷ euro vì COVID-19]

Tuyên bố bất ngờ của ECB nêu rõ: "ECB hy vọng các cổ đông của ngân hàng tham gia nỗ lực tập thể này."

Tuyên bố cũng cho biết các biện pháp trên sẽ tăng khả năng của các ngân hàng trong việc hỗ trợ tín dụng cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn trong thời gian đại dịch.

Chủ tịch ban giám sát ECB Andrea Enria nhận định: "Khác với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng không phải là nguồn cơn gây ra vấn đề, nhưng chúng ta cần đảm bảo rằng họ có thể là một phần của giải pháp."

Ông ước tính nếu các ngân hàng tham gia nỗ lực này với ECB, sẽ có thêm 30 tỷ euro trong hệ thống tài chính.

Bên cạnh đó, ECB cũng khởi động một chu kỳ cho vay lãi suất siêu thấp mới dành cho các ngân hàng thành viên và nới lỏng các quy định về vốn đệm để khuyến khích các ngân hàng cho hộ gia đình và doanh nghiệp vay.

ECB cũng tìm cách bình ổn các thị trường bằng việc hứa hẹn rằng sẽ "không có giới hạn nào" trong các cam kết bảo vệ đồng euro.

Tương tự, ông John Vickers, cựu Chủ tịch Ủy ban Độc lập về ngân hàng Vương quốc Anh, vừa thúc giục Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cấm các ngân hàng thương mại chia khoản cổ tức trị giá khoảng 7,5 tỷ bảng Anh trong thời gian tới.

Sự can thiệp của ông Vickers, một cựu quan chức cấp cao trong BoE, càng làm gia tăng áp lực đối với BoE trong việc ra quyết định dừng kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng thương mại, điển hình như việc ngân hàng Barclays dự kiến chi trả khoảng 1,03 tỷ bảng tiền cổ tức cho các cổ đông vào cuối tuần tới.

Trong khi đó, Theo phóng viên TTXVN tại Anh, ông Vickers, người từng đứng đầu bộ phận xây dựng các quy chế tài chính mới của Vương quốc Anh sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, cho rằng trong bối cảnh hệ thống tài chính Anh đang chịu nhiều sức ép, đặc biệt là tác động tiêu cực từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, việc chi trả cổ tức là điều “hoàn toàn không thể đặt ra” lúc này.

Nhiều chuyên gia tài chính khác tại Anh cũng chia sẻ quan điểm cho rằng việc chi trả khoản cổ tức trên là cách các ngân hàng thương mại đang tự làm suy yếu mình một cách không cần thiết, trong thời điểm nền kinh tế và hệ thống tài chính Anh đối mặt với nguy cơ bất ổn vì dịch bệnh chưa biết khi nào sẽ kết thúc.

Các cơ quan giám sát khu vực tài chính ngân hàng tại Anh cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước kế hoạch của các ngân hàng trong việc tiến hành chi trả cổ tức vào thời điểm hiện tại.

Nhiều ý kiến cho rằng người đóng thuế Anh đã phải bất đắc dĩ giải cứu các ngân hàng một lần cách đây hơn mười năm, và sẽ là không thể chấp nhận được việc họ sẽ lại phải hỗ trợ các ngân hàng một lần nữa sau khủng hoảng dịch bệnh đang diễn ra.

Ngân hàng HSBC dự kiến thanh toán 4,2 tỷ bảng cổ tức vào ngày 14/4 tới, Ngân hàng Royal Bank of Scotland dự kiến chi trả 968 triệu bảng vào ngày 14/05, và tập đoàn ngân hàng Lloyds Banking Group dự kiến chi trả 1,58 tỷ bảng cổ tức vào ngày 27/05.

Kết thúc năm tài chính vừa qua, tất cả các ngân hàng trên đều hoàn thành vượt mọi mục tiêu kinh doanh đề ra.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đang đặt ra nguy cơ hàng loạt khách hàng vay tiền của các ngân hàng này lâm vào cảnh phá sản trong thời gian tới, qua đó đe dọa nguồn vốn của các ngân hàng.

Việc rút lại các cam kết chi trả cổ tức của các ngân hàng cũng không hề dễ dàng vì thực tế các cổ tức dự kiến được chi trả sắp tới cũng đều là cổ tức quá hạn từ các lần trước đó.

Bên cạnh đó, một số cổ đông nhỏ  của các ngân hàng cũng kiến nghị rằng việc thanh toán cổ tức lúc này là cần thiết vì đó nguồn thu nhập chủ yếu của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục