ECB: Eurozone không nên đột ngột dừng các biện pháp cứu trợ

ECB cho biết việc chấm dứt "đột ngột" các biện pháp cứu trợ có thể dẫn đến sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn so với cuộc suy thoái trong đợt đầu tiên của đại dịch.
Khách hàng chờ mua sắm tại Kehl, biên giới Pháp và Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 25/11 cảnh báo rằng việc chính phủ các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sớm rút lại các biện pháp hỗ trợ đối với nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 có thể làm chệch hướng phục hồi và gây ra làn sóng phá sản diện rộng.

Trong báo cáo về ổn định tài chính 6 tháng một lần, ECB cho biết việc chấm dứt "đột ngột" các biện pháp cứu trợ có thể dẫn đến sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn so với cuộc suy thoái trong đợt đầu tiên của đại dịch.

Báo cáo cho hay các chính phủ Eurozone đã thực hiện những biện pháp chưa từng có để bảo vệ các công ty và người lao động trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

[EU chưa thể nhất trí về kế hoạch phục hồi trị giá 1.800 tỷ euro]

Chúng bao gồm việc bảo lãnh các khoản vay ngân hàng và cho hoãn trả nợ, triển khai các chương trình hỗ trợ những lao động bị giảm giờ làm và hỗ trợ cho các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, nếu các biện pháp hỗ trợ tài chính không được duy trì trong toàn bộ thời gian của cuộc khủng hoảng, các công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lệnh giãn cách xã hội sẽ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về khả năng thanh toán hoặc sự gián đoạn kéo dài đối với mô hình kinh doanh của họ, ngay cả khi những bộ phận khác của nền kinh tế phục hồi.

Trong khi đó, bất chấp sự lạc quan gần đây về những tiến triển trong việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết các nền kinh tế châu Âu "vẫn còn một chặng đường dài phía trước."

Ông De Guindos nói rằng các nhà chức trách sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về việc có nên và làm thế nào để mở rộng các biện pháp hỗ trợ và cuối cùng là giải quyết khoản nợ mà họ tạo ra.

Ông De Guindos cũng lưu ý dù việc duy trì các chương trình viện trợ của chính phủ là cần thiết, chúng vẫn nên hướng tới hỗ trợ nền kinh tế và tránh làm phát sinh những lo ngại về tính bền vững của nợ trong trung hạn.

Trong ấn bản trước của báo cáo được công bố hồi tháng 5/2020, ECB cho biết nguy cơ khu vực Eurozone sụp đổ có thể trở lại khi nợ công ở một số nền kinh tế thành viên tăng vọt để đối phó với cú sốc COVID-19.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vào thời điểm đó cho biết bà "không quá lo lắng" và rủi ro không còn được đề cập trong báo cáo mới nhất, bất chấp các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tranh cãi về kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ euro đã được thống nhất vào tháng Bảy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục