ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới

Một loạt dữ liệu gần đây, bao gồm một cuộc khảo sát quan trọng cho thấy nền kinh tế châu Âu đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, củng cố đồn đoán Eurozone sẽ tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới ảnh 1Kể từ tháng 7/2022, ECB đã tăng lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm để kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những dấu hiệu cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của một cú sốc kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 2/2 tới.

ECB đã bắt tay vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử, sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến chi phí năng lượng và thực phẩm tăng vọt trên khắp Eurozone. Ngân hàng này đã tăng lãi suất thêm 2,5 điểm phần trăm để kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng kể từ tháng Bảy năm ngoái.

Lạm phát đã bắt đầu chậm lại, dù vẫn ở mức cao, làm dấy lên hy vọng những nỗ lực của ECB đang mang lại kết quả. Một loạt dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế châu Âu bắt đầu tăng trưởng trở lại, thậm chí còn mang lại niềm lạc quan về việc khu vực đồng euro có thể sẽ tránh được một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nhiều lần nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng “với tốc độ ổn định” và ngân hàng này dự kiến đưa ra quyết định về việc tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào ngày 2/2 sắp tới - bằng với mức tăng tại cuộc họp hồi tháng 12, nhưng thấp hơn mức tăng mạnh 75 điểm cơ bản tại hai cuộc họp trước đó.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế của ING, cho rằng lý do khiến ECB tăng lãi suất 50 điểm cơ bản rất rõ ràng, đó là nhiệm vụ chống lạm phát của ECB chưa hoàn tất.

Các chính phủ châu Âu đã nỗ lực lấp đầy các cơ sở lưu trữ và triển khai các biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp trước tình trạng giá cả tăng cao, sau khi Nga giảm nguồn cung nhiên liệu. Giá khí đốt bán buôn đã giảm trong khi thời tiết mùa Đông tương đối ôn hòa khiến nguồn cung cấp không cạn kiệt nhanh như dự kiến.

[Xu hướng tăng lãi suất có thể gây khó cho các ngân hàng châu Âu]

Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global Flash Eurozone đã tăng trên 50 điểm trong tháng này, giúp củng cố tâm lý lạc quan rằng lạm phát chậm lại và giảm bớt các vấn đề về chuỗi cung ứng, cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế, có thể bù đắp cho những thiệt hại do cuộc xung đột ở Ukraine.

Cụ thể, theo kết quả của hãng S&P Global công bố ngày 24/1, chỉ số Flash PMI (chỉ số dự báo trước chỉ số PMI - chỉ số nhà quản trị mua hàng) của Eurozone trong tháng Một đã tăng lên 50,2 điểm so với 49,3 điểm trong tháng cuối cùng của năm 2022.

Với mức PMI trên 50 điểm, nền kinh tế Eurozone đã tăng trưởng trở lại trong tháng Một, lần đầu tiên sau sáu tháng, làm dấy lên hy vọng nền kinh tế châu Âu sẽ tránh được suy thoái trong mùa Đông này.

Theo khảo sát của S&P, Đức - nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone - được hưởng lợi từ lực từ chuỗi cung ứng được nới lỏng, giúp thúc đẩy ngành sản xuất của nước này. PMI tổng hợp tại Đức đã tăng từ 49 điểm trong tháng 12/2022 lên 49,7 điểm trong tháng Một.

Sản lượng ở Pháp trong tháng Một lại giảm trong tháng thứ ba liên tiếp do hoạt động dịch vụ giảm mạnh, tuy nhiên, sản lượng của các nước thành viên còn lại trong Eurozone (gồm 20 quốc gia sau khi Croatia gia nhập khu vực đồng euro vào tháng Một) cũng tăng trưởng trở lại.

Lạm phát tại Eurozone vẫn ở mức cao là 9,2%, song đã giảm trong hai tháng liên tiếp nhờ tốc độ tăng giá năng lượng chậm lại.

ECB dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp sắp tới ảnh 2Lạm phát tại Eurozone vẫn còn "quá cao," nhưng đang có dấu hiệu đi xuống. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos mới đây, Chủ tịch ECB Lagarde cho biết nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng tốt hơn rất nhiều so với những lo ngại ban đầu. Bà nhận định ngày càng nhiều hy vọng các nước có thể tránh khỏi một đợt suy thoái sâu khi “các tin tức kinh tế đã tích cực hơn trong vài tuần qua.”

Bà Lagarde thừa nhận: “Đây không phải làm một năm tươi sáng,” nhưng tình hình đã tốt hơn khi giá năng lượng bắt đầu giảm sau khi luôn ở những mức cao trong năm ngoái vì tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, và mùa Đông năm nay không lạnh cũng làm dịu bớt những lo lắng về việc thiếu nhiên liệu.

Lạm phát tại Eurozone đạt đỉnh 10,6% trong tháng 10 năm ngoái, đã chậm lại ở mức 9,2% vào tháng 12. Dù lạm phát vẫn còn “quá cao” - theo bà Lagarde - nhưng đây là dấu hiệu để hy vọng rằng lạm phát đang đi xuống.

Theo dự báo mới nhất của ECB, kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng 0,5% trong năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục