Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố ông và các nhà hoạch định chính sách sẽ nỗ lực để đưa lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ mức 0,1% hiện nay trở lại mục tiêu xấp xỉ 2% mà ngân hàng đã đề ra “càng sớm càng tốt.”
Tại cuộc họp chính sách hàng tháng vào ngày 3/12, ECB sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát trong Eurozone.
Một trong các biện pháp đó là kéo dài thời gian thực hiện gói nới lỏng định lượng (QE) mà ECB công bố hồi tháng 1/2015. Theo đó, ECB mua khoảng 60 tỷ euro trái phiếu mỗi tháng trong khoảng thời gian dự kiến từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2016.
Tính đến đầu tuần trước, ECB đã mua tổng cộng 582 tỷ euro trái phiếu trên tổng số 1.100 tỷ euro trái phiếu mà ngân hàng dự kiến mua vào. Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn ì ạch, lạm phát chưa được như kỳ vọng và nhiều khả năng Eurozone sẽ không đạt được mục tiêu đưa lạm phát về xấp xỉ 2% vào năm 2017.
Thay đổi thứ hai là mở rộng gói QE, tức là đưa thêm các loại trái phiếu khác vào danh mục mua trái phiếu hiện nay. Các quan chức hàng đầu của ECB khẳng định QE đang phát huy hiệu quả, vấn đề chỉ là chưa đủ nhanh.
Lựa chọn tiếp theo là mua thêm các loại tài sản khác. Có tới 3/4 số trái phiếu được mua vào hiện nay là trái phiếu chính phủ, trong khi chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS) và trái phiếu có đảm bảo chiếm phần lớn phần còn lại. Không loại trừ khả năng các ngân hàng trung ương Eurozone sẽ mua các trái phiếu có độ rủi ro lớn hơn.
Một lựa chọn nữa là tiếp tục hạ lãi suất. ECB trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất tiền gửi xuống mức dưới 0% hồi năm ngoái. Nhiều nhà phân tích dự báo tại cuộc họp tới đây, ECB có thể sẽ hạ lãi suất tiền gửi, hiện ở mức -0,2%, đi 10 điểm cơ bản (tương đương 0,1%), thậm chí một số người cho rằng ECB sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn nữa.
Trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang “rục rịch” chuẩn bị tăng lãi suất thì động thái hạ lãi suất của ECB (nếu có) gần như chắc chắn sẽ làm đồng euro rớt giá so với đồng USD.
Những tuyên bố của ông Draghi liên quan đến vấn đề này cho đến nay là khá mạnh mẽ và nếu ECB không hành động, điều đó chắc chắn sẽ gây thất vọng lớn đối với các thị trường tài chính. Đồng euro bắt đầu tuần giao dịch này khá ảm đạm với việc rớt xuống mức thấp nhất trong bảy tháng rưỡi trở lại đây. Và như thế, đồng tiền chung châu Âu đã giảm khoảng 4,1% trong tháng 11/2015, có thể coi là tháng tồi tệ nhất đối với đồng euro kể từ khi đồng tiền này giảm 4,2% hồi tháng 3/2015./.