ECB 'đánh tiếng' điều chỉnh chính sách tiền tệ vào cuối năm 2020

ECB quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ và sẽ đánh giá lại để xem liệu có cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tại cuộc họp ngày 10/12 hay không.
Khách hàng chờ mua sắm tại Kehl, biên giới Pháp và Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 29/10 thông báo đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ và sẽ đánh giá lại để xem liệu có cần triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tại cuộc họp ngày 10/12 hay không.

ECB đã cảnh báo rằng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang gây ra rủi ro cho tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng với gói các biện pháp quy mô chưa từng có đã được triển khai vào mùa Xuân 2020, ECB dường như không vội vàng để hành động mặc dù vẫn cam kết cung cấp nhiều biện pháp kích thích hơn nếu cần.

[Dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone sẽ chững lại trong quý 4 năm 2020]

ECB đã dành 1.350 tỷ euro (khoảng 1.577 tỷ USD) cho việc mua trái phiếu cho đến giữa năm 2021 và vẫn còn khoảng 700 tỷ euro tiền mặt để dự phòng, giúp giữ sự ổn định cho thị trường ngay cả khi ngân hàng trung ương này không đưa ra cam kết mới.

Vấn đề của ECB là các hạn chế đi lại để kiểm soát làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới đang là "bài thử nghiệm" đối với quan điểm cho rằng nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng trở lại mức trước khủng hoảng vào cuối năm 2022.

Với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai có nguy cơ lan rộng khắp châu Âu trước thềm mùa Đông năm nay, các nền kinh tế lớn nhất của Eurozone là Đức và Pháp đã thông báo về các đợt giãn cách xã hội mới.

Những nước khác trong số 19 quốc gia thành viên Eurozone cũng đang đóng cửa phần lớn các lĩnh vực dịch vụ của họ, "một đòn giáng mạnh" vào sự phục hồi còn chưa vững của khu vực này.

Bên cạnh đó, lạm phát - một nỗi lo chính của ECB - cũng đang giảm. Trong khi mối nguy giảm phát vẫn chưa trở lại trong chương trình nghị sự, lạm phát có thể không đạt được mục tiêu quanh mức 2% do ECB đề ra trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, có những giới hạn rõ ràng đối với những gì ECB có thể làm. Thông qua việc chi khoảng 100 tỷ euro (118 tỷ USD) mỗi tháng để mua trái phiếu, ECB đã kéo chi phí đi vay xuống mức thấp kỷ lục.

Thậm chí chênh lệch giữa chi phí đi vay của các thành viên khu vực Eurozone đã trở lại mức trước khủng hoảng COVID-19.

Các ngân hàng, vốn hiện khá dồi dào thanh khoản, đang vay với lãi suất -1%. Mối quan ngại lớn nhất của họ là chất lượng tín dụng giảm sút, chứ không phải là sự sẵn có của nguồn vốn rẻ.

Tuy nhiên, một khi ECB công bố các dự báo kinh tế mới tại cuộc họp ngày 10/ 12, ngân hàng trung ương này có khả năng gia hạn và mở rộng chương trình hỗ trợ trị giá 1.350 tỷ euro và cải thiện điều kiện cấp vốn cho các ngân hàng.

ECB cũng dự kiến sẽ tiếp tục hối thúc chính phủ các nước châu Âu để đảm bảo sự hỗ trợ ngân sách và nhất trí về gói hỗ trợ phục hồi trị giá 750 tỷ euro đã bị trì hoãn từ lâu cho khối này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục