ECB có thể hạ lãi suất trong tháng 10/2024 trước khả năng lạm phát quá thấp

ECB đã 2 lần cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục trong năm nay và thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ với hai lần hạ lãi suất vào tháng 10 và tháng 12.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde ở Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 17/10 tới, do tăng trưởng kinh tế yếu có thể dẫn tới lạm phát thấp hơn mức mục tiêu 2%.

ECB đã hai lần cắt giảm lãi suất từ mức cao kỷ lục trong năm nay và thị trường dự đoán ngân hàng này sẽ đẩy nhanh quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ với hai lần hạ lãi suất vào tháng 10 và tháng 12, do áp lực lạm phát đang giảm nhanh hơn dự đoán của các nhà hoạch định chính sách.

Trả lời phỏng vấn tờ La Repubblica của Italy ngày 7/10, ông Villeroy cho biết hai năm qua, rủi ro chính của ECB là lạm phát vượt mục tiêu 2%.

Nhưng giờ đây, ngân hàng này cũng phải chú ý đến rủi ro ngược lại, đó là lạm phát thấp hơn 2% do tăng trưởng yếu và chính sách tiền tệ thắt chặt quá lâu.

Tuần trước, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát đi tín hiệu rõ ràng nhất rằng ECB sẽ hạ lãi suất trong tháng 10, và các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ý định này.

Ông Villeroy dự đoán ECB sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm sau và sẽ trở lại mức lãi suất "trung lập" tức mức lãi suất không kìm hãm cũng không kích thích tăng trưởng - vào khoảng năm 2025.

Theo ông, nếu lạm phát năm sau duy trì ở mức 2%, và tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn yếu, ECB sẽ không có lý do gì để duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ông không đưa ra ước tính về mức lãi suất trung lập, nhưng cho biết thị trường nhận định mức lãi suất trung lập vào khoảng 2%. Để đạt được mức này, ECB sẽ phải hạ lãi suất thêm sáu lần nữa, bao gồm hai lần nữa trong năm nay và bốn lần vào năm 2025, nếu ngân hàng này vẫn giữ nhịp độ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần như lúc tăng lãi suất.

Liên quan tới việc giá dầu tăng vọt vào tuần trước do bất ổn ở Trung Đông, ông Villeroy cho biết ECB thường bỏ qua những cú sốc như vậy, nếu đó chỉ là những cú sốc tạm thời và không có nhiều ảnh hưởng đến giá cả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục