Ngày 28/9, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết thể chế tài chính này trong hai cuộc họp vào tháng 10 và tháng 12 tới, cần tăng lãi suất mỗi lần thêm 75 điểm cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thống đốc Ngân hàng trung ương Slovakia Peter Kazimir nêu rõ: "Tôi phải nói rằng 75 điểm cơ bản là 'ứng cử viên tốt' cho (việc tăng lãi suất lần tới) nhằm duy trì tốc độ siết chặt chính sách, song cũng cần phải chờ các số liệu mới." Ông nhấn mạnh, ECB cần phải mạnh mẽ (trong việc tăng lãi suất) bất kể nguy cơ suy thoái.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan, Olli Rehn cho rằng việc tăng 75 điểm cơ bản có thể là một trong số những lựa chọn của ECB.
Còn Thống đốc Ngân hàng trung ương Áo Robert Holzmann cũng ủng hộ mức tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tới của ECB vì cho rằng nếu tăng 100 điểm cơ bản có thể bị coi là quá nhiều.
Các thị trường dự báo ECB sẽ tăng 0,75 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi, lên tới 2% vào cuối năm nay và lên tới khoảng 3% vào mùa Xuân năm 2023. Dự báo, lạm phát trong EU sẽ vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu lãi suất mà ECB đề ra cho đến năm 2024 là 2%.
[ECB quyết ngăn chặn lạm phát cao "bắt rễ" trong nền kinh tế]
Theo Chủ tịch ECB Christine Lagarde, ngân hàng sẽ tăng thêm lãi suất ở mức "trung lập," tức là không kích thích cũng như không làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Lagarde nêu rõ: "Chúng ta phải trở về mức lạm phát 2% trong trung hạn, chúng ta sẽ làm những gì phải làm, tức là sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong vài cuộc họp tới."
Trong hai cuộc họp trước, ECB đã tăng lãi suất thêm tổng cộng 125 điểm cơ bản, tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất. Tuy nhiên, lạm phát trong khu vực này sẽ phải mất hàng tháng mới giảm từ mức đỉnh hiện nay. Điều này cho thấy khả năng ECB sẽ phải siết chặt chính sách tiền tệ hơn./.