ECB: Các ngân hàng cần chuẩn bị cho cú sốc từ kịch bản 'Brexit cứng'

ECB cho rằng dù các ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng cho Brexit không thỏa thuận, nhưng kịch bản này vẫn sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực về mặt kinh tế vĩ mô.
ECB: Các ngân hàng cần chuẩn bị cho cú sốc từ kịch bản 'Brexit cứng' ảnh 1Chủ tịch Ủy ban giám sát ECB Andrea Enria. (Ảnh: Bloomberg)

Chủ tịch Ủy ban giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Andrea Enria ngày 25/9 cho biết các ngân hàng thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã chuẩn bị sẵn sàng cho cú sốc của kịch bản "Brexit cứng", ám chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu mà không đạt được thỏa thuận về mối quan hệ thương mại.

Trả lời phỏng vấn với đài phát thanh RTE của Ireland, ông Enria cho rằng các ngân hàng đã đi đúng hướng trong việc xây dựng "vùng đệm" cho kịch bản xấu nhất và họ hiện sẵn sàng chịu đựng cưú sốc ở một mức độ nào đó.

Tuy nhiên, ông thừa nhận việc các ngân hàng châu Âu đã chuẩn bị cho một cú sốc không có nghĩa là những tác động tiêu cực sẽ không thành hiện thực. Theo ông Andrea Enria, ngoài ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, Brexit chắc chắn sẽ có những tác động kinh tế vĩ mô lên ngành ngân hàng châu Âu. Đây là điều mà các ngân hàng sẽ phải tiếp tục thích ứng.

Ngoài ra, các thị trường tài chính vẫn chưa hoàn toàn tin vào khả năng nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận thương mại. Ông Enria cũng lưu ý rằng các ngân hàng có thể phải xem xét kéo dài thời gian hoãn thanh toán cho khách hàng, đồng thời phân biệt khách hàng “tốt” với khách hàng “xấu” không có khả năng thanh toán.

[Vấn đề Brexit: Anh lạc quan sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với EU]

Ông Andrea Enria đưa ra nhận định trên giữa lúc các công ty ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, đang mất hy vọng về một thỏa thuận về quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU. Nhiều ngân hàng có trụ sở tại Anh đã xin giấy phép để có thể tiếp tục phục vụ khách hàng ở cả trong nước lẫn châu Âu.

Cơ quan giám sát ngân hàng Đức Bafin cho hay có hơn 60 tổ chức tài chính đang trong quá trình thiết lập hoặc tăng cường đáng kể sự hiện diện của họ tại Đức. Ngân hàng JP Morgan (Mỹ ) hồi đầu tuần này cũng cho biết họ sẽ chuyển khoảng 200 tỷ euro (233 tỷ USD) tài sản từ nước Anh sang Frankfurt (Đức)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục