ECB bỏ ngỏ khả năng sử dụng biện pháp nới lỏng định lượng

Ngân hàng Trung ương châu Âu sẵn sàng tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế thông qua việc mua trái phiếu trên qui mô lớn.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (giữa) Mario Draghi trước phiên họp. (Nguồn: Lapresse )

Ngày 2/10, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố định chế này sẵn sàng tăng cường các nỗ lực kích thích kinh tế thông qua việc mua trái phiếu trên qui mô lớn nếu cần thiết nhằm tránh để Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào tình trạng giảm phát.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp định kỳ ở thành phố Napoli (Italy), ông Draghi cảnh báo sự phục hồi kinh tế ở Eurozone là yếu kém, mong manh và không đồng đều. Nếu tình hình tiếp tục xấu đi, ECB sẽ phải thực hiện biện pháp mua trái phiếu qui mô lớn, nói cách khác là nới lỏng định lượng (QE), song ông không cho biết thời gian áp dụng biện pháp này. Giải thích về quyết định được cho là không mạnh mẽ này, ông Draghi nhấn mạnh mùa Hè vừa qua, ECB đã công bố một loạt biện pháp và giờ đây đang chờ xem các biện pháp này phát huy tác dụng như thế nào.

Ông Draghi cho biết quyết định mua các khoản nợ công xấu cách đây vài tháng sẽ tác động mạnh đến cán cân thanh toán của ECB. Vì thế, ông muốn nâng khả năng quyết toán của ECB lên mức năm 2012, tương đương 1.000 tỷ euro (1,26 nghìn tỷ USD) cho gói kích thích mới, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về triển vọng kinh tế trong Eurozone, ông Draghi nhấn mạnh ECB đã hành động để cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế và việc làm, dù các nỗ lực kích thích như cắt giảm lãi suất là việc làm "tội lỗi cần được điều chỉnh."

Các thị trường đã mất điểm ngay sau khi ông Draghi đưa ra những nhận xét trên vì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ECB sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn. Chỉ số chính của Đức giảm 2%, Pháp 2,8% và Italy 3,9%. Đồng euro tăng giá từ một ơrô đổi được 1,2630 USD lên 1,2654 USD, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư không còn trông chờ nhiều vào biện pháp kích thích tiền tệ sau cuộc họp. Theo các nhà quan sát, những nhận xét này của ông Draghi thực chất chỉ tập trung vào các chương trình mà ECB đã công bố hồi tháng 6 và tháng 9 vừa qua và sẽ được triển khai trong nhiều tháng.

Cũng trong ngày 2/10, ECB quyết định giữ nguyên mức lãi suất chuẩn 0,05% trong khi ông Draghi thừa nhận sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp này chừng nào có thể chịu đựng được. Từ tháng 6 vừa qua, ECB đã giảm lãi suất tái huy động vốn xuống mức thấp kỷ lục và chào các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp. Tất cả những biện pháp này là nhằm khuyến khích các công ty vay mượn, mở rộng hoạt động và tạo việc làm. Tuy nhiên, mọi biện pháp kích thích đều khiến đồng tiền mất giá, cụ thể đồng euro đã giảm mạnh so với đồng USD trong những tháng gần đây.

Theo số liệu công bố trong tuần này, lạm phát trong tháng 9 vừa qua ở Eurozone giảm xuống còn 0,3%, mức thấp nhất trong gần 5 năm qua. Điều này, cùng với những yếu kém trong khu vực công nghiệp, đã gia tăng sức ép buộc Eurozone phải hành động nhiều hơn để tránh nguy cơ giảm phát trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục