Ngày 9/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu triển khai gói nới lỏng định lượng (QE) được mong đợi từ lâu trị giá 1.100 tỷ euro (1.200 tỷ USD), nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tránh tình trạng giảm phát trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo chương trình, ECB sẽ mua lại trên thị trường thứ cấp trái phiếu của cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân thông qua việc “bơm” 60 tỷ euro/tháng vào các nền kinh tế Eurozone từ nay cho tới ít nhất tháng 9/2016, với mục tiêu tăng lượng tiền mặt trong hệ thống tài chính để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay thêm tiền, tăng mua sắm, đầu tư.
Chiến lược trên của ECB, tương tự như kế hoạch mà Ngân hàng Dữ trự Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Anh đề ra trước đó, được công bố trong bối cảnh Eurozone đối mặt với nguy giảm phát ngày càng tăng - điều có thể khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm và dẫn tới giá cả thị trường giảm sâu, cùng một loạt tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất và thị trường việc làm.
Nhận định về QE, giới quan sát cho rằng chiến lược này trước đó có thể giúp nền kinh tế Mỹ và Anh đạt được nhiều thành công, song chưa chắc là "một phương thuốc hữu hiệu" đối với Eurozone.
Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã bác bỏ nghi ngại trên và nhấn mạnh rằng các thị trường có phản ứng tích cực khi nhìn nhận về triển vọng của chương trình nới lỏng định lượng đối với Eurozone sau thông tin hôm 5/3 vừa qua về kế hoạch triển khai chương trình này. Theo đó, ECB đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong giai đoạn 3 năm từ nay tới 2017 tăng lần lượt ở mức 1,5%, 1,9% và 2,1%./.