EC và Anh nghiên cứu sắc lệnh của Mỹ về hạn chế đầu tư vào Trung Quốc

Người phát ngôn EC cho biết Ủy ban châu Âu sẽ phân tích sắc lệnh hạn chế đầu tư vào Trung Quốc của Mỹ một cách kỹ lưỡng và mong muốn tiếp tục hợp tác với Washington trong vấn đề này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/8, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết EC sẽ phân tích lệnh cấm của Mỹ liên quan tới các khoản đầu tư mới của nước này vào Trung Quốc trong một số dự án công nghệ nhạy cảm như chip máy tính và đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ.

Người phát ngôn EC cho biết: "Chúng tôi ghi nhận Sắc lệnh về đầu tư ra nước ngoài do chính quyền Mỹ ban hành vào ngày 9/8. Chúng tôi sẽ phân tích sắc lệnh hành pháp này một cách kỹ lưỡng. Chúng tôi đang liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ và mong muốn tiếp tục hợp tác trong vấn đề này."

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/8 đã ký sắc lệnh hành pháp cấm một số khoản đầu tư nhất định của Mỹ vào công nghệ nhạy cảm ở Trung Quốc, đồng thời yêu cầu chính phủ phải được báo cáo về hoạt động tài trợ trong các lĩnh vực công nghệ khác.

Cụ thể, sắc lệnh cho phép Bộ trưởng Tài chính Mỹ cấm hoặc hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các thực thể ở Trung Quốc hoạt động trong 3 lĩnh vực chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Hiện, Washington đang chờ xem liệu Anh và các đồng minh khác có ủng hộ cách tiếp cận mới của Mỹ hay không.

[Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh cấm đầu tư vào công nghệ cao tại Trung Quốc]

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại London, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang cân nhắc xem có nên hạn chế đầu tư ra nước ngoài vào một số lĩnh vực công nghệ Trung Quốc, tương tự như động thái của Mỹ hay không.

Người phát ngôn Chính phủ Anh cho biết sắc lệnh hành pháp về đầu tư ra nước ngoài này đưa ra sự rõ ràng quan trọng về cách tiếp cận của Mỹ.

Theo người phát ngôn này, Anh sẽ xem xét chặt chẽ các biện pháp mới này trong khi tiếp tục đánh giá các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn gắn liền với một số khoản đầu tư.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Anh nhưng là điểm đến kém quan trọng hơn nhiều đối với đầu tư nước ngoài của Anh, tính theo số liệu do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh(ONS) công bố vào tháng Bảy vừa qua.

Theo số liệu gần đây nhất do ONS công bố trong năm nay, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Anh vào Trung Quốc ở mức 10,7 tỷ bảng Anh (13,6 tỷ USD), tương đương 0,6% tổng đầu tư toàn cầu vào năm 2021. Dịch vụ tài chính chiếm gần 25% tổng số, nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Theo báo cáo được Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc công bố vào tháng Năm, hơn 50% số công ty Anh được khảo sát đang duy trì “cách tiếp cận chờ xem” để thực hiện các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục