Chiều 26/12, tại Hà Nội, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã chủ trì họp báo thông tin về kết quả kiểm tra lần 2 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản cho biết từ ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu đã làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về IUU.
Ngày 19/12/2019, EC có công thư MARE B4/SPM Ares (2019) thông báo ý kiến đối với các nội dung đã kiểm tra tại Việt Nam. Cụ thể, đoàn thanh tra EC ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam.
Đoàn thanh tra EC khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 (tháng 5/2018) và đang đi đúng hướng. Việt Nam bước đầu tiến hành thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật trên thực tế.
Cùng với đó, Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS) so với lần kiểm tra trước. Cụ thể, qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, tỉnh Kiên Giang đã có sự tiến bộ đáng kể; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả.
[Quyết liệt chấm dứt các vi phạm về khai thác hải sản IUU]
Việt Nam cũng rất nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá (VMS); đưa ra quy định và thực hiện đánh dấu tàu cá theo khuyến nghị của EC để kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, đồng thời nỗ lực trong quản lý cường lực khai thác thông qua việc đóng băng đội tàu khai thác xa bờ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định giao hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.
Một số tồn tại và hạn chế cũng được đoàn thanh tra EC chỉ ra như: tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm; giám sát tàu cá và sử dụng hệ thống giám sát tàu cá chưa được toàn diện và còn nhiều lỗi kỹ thuật; xử phạt vi phạm hành chính còn rất hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt đối với tàu vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa có bằng chứng chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đảm bảo cơ chế truy xuất nguồn gốc đầy đủ và chính xác trong nhà máy chế biến...
EC khẳng định khi nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì Ủy ban châu Âu sẽ không rút thẻ vàng.
Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU trong 6 tháng tới. Việt Nam phải nộp báo cáo tiến độ toàn diện về kết quả triển khai các nội dung theo báo cáo giám sát trước ngày 15/5/2020.
EC cũng đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới như khung pháp lý, thực thị pháp luật; theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá; truy xuất nguồn gốc và chứng nhận khai thác hải sản từ khai thác...
Theo bà Nguyễn Thị Trang Nhung, qua quá trình thực thi các khuyến nghị của EC trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như làm tốt cơ sở dữ liệu tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; cập nhật những thông tin về cấp phép tàu cá, quy hoạch phát triển tàu cá bền vững..., được EC đánh giá rất cao.
Thời gian tới, ngành thủy sản và các địa phương sẽ giải quyết rốt ráo đối với tàu khai thác xa bờ, tàu nào khai thác bất hợp pháp thì kiên quyết xử lý để tạo tính răn đe và những tàu nào nằm trong danh sách giám sát, theo dõi đặc biệt cũng sẽ được thực hiện theo các khuyến nghị của EC./.