Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua các quy tắc mới, theo đó cho phép chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) có giá trị để đi lại trong 9 tháng sau khi hành khách hoàn thành chương trình tiêm chủng.
Trong tuyên bố của mình, EC cho biết quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022. Tuy nhiên, quy định mới vẫn cần nhận được sự chấp thuận của các nước thành viên EU.
Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh EU đang chạy đua đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.
Một số quốc gia EU đã công bố các biện pháp đơn lẻ, theo đó sẽ sớm không còn coi những người đã tiêm 2 mũi vaccine là đã "tiêm phòng đầy đủ" nếu họ không tiêm mũi nhắc lại.
Chẳng hạn, Pháp cho biết tất cả những người trưởng thành đã tiêm mũi thứ 2 trên 6 tháng sẽ bị "xóa" khỏi chứng nhận tiêm chủng quốc gia – một phần của hệ thống chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 của EU) – từ ngày 15/1/2022 tới nếu họ không tiêm mũi tăng cường.
[Ủy ban châu Âu đề xuất thời hạn hiệu lực đối với chứng nhận tiêm chủng]
Một số quốc gia EU khác gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Cyprus, Latvia, Italy, Hy Lạp và Áo cũng đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp yêu cầu những hành khách EU đã tiêm phòng phải thực hiện các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi khởi hành hoặc phải cách ly khi đến.
Động thái mới nhất của EU là một phần trong nỗ lực thống nhất việc chấp nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong toàn khối. Ủy viên tư pháp EU Didier Reynders cho biết khối này cần "điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới."
Ông cảnh báo "các biện pháp đơn phương ở các nước thành viên sẽ đưa chúng ta trở lại tình trạng chia rẽ và bất ổn."
Ông nhấn mạnh hiện là lúc các quốc gia thành viên phải đảm bảo việc tiêm mũi tăng cường cần được triển khai nhanh chóng để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo việc đi lại an toàn.
Chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 của EU đã trở thành một tiêu chuẩn ở khối này và hàng chục quốc gia không thuộc EU.
Chứng nhận này cũng đã được nhiều nước EU sử dụng trong nước như một giấy thông hành để người dân được phép vào các địa điểm như nhà hàng và tham gia các sự kiện giải trí hoặc thể thao.
Cùng ngày, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã để ngỏ khả năng vaccine ngừa COVID-19 có thể được điều chỉnh để chống lại biến thể Omicron dù chưa có bằng chứng cho thấy điều này là cần thiết.
Giám đốc điều hành EMA Emer Cook cho biết cơ quan này cần thêm dữ liệu về hiệu quả của vaccine, khả năng lây truyền của Omicron và mức độ nghiêm trọng mà biến thể này gây ra.
Theo quan chức này, EU có khả năng sản xuất 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng trong bối cảnh các nhà sản xuất thuốc đã tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho 450 triệu dân của khối./.