EC sẽ trừng phạt cứng rắn chiến binh châu Âu tham chiến ở nước ngoài

EC dự kiến sẽ thành lập trung tâm chống khủng bố của châu Âu, tạo điều kiện cho Europol hoạt động hiệu quả hơn khi phối hợp thông tin trong các cuộc điều tra xuyên biên giới liên quan đến khủng bố.
EC sẽ trừng phạt cứng rắn chiến binh châu Âu tham chiến ở nước ngoài ảnh 1Phiến quân IS ngày càng hoành hành. (Nguồn: theregister)

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, tại phiên họp toàn thể mới đây của Nghị viện châu Âu (EP), Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố chiến lược đến năm 2020 về tăng cường chống khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm có tổ chức.

Đây là một trong 10 nhiệm vụ ưu tiên mà Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đề ra trong nhiệm kỳ của mình.

Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans khẳng định không một quốc gia thành viên nào có thể một mình chống lại khủng bố, tội phạm mạng và tội phạm có tổ chức, vì vậy kế hoạch của EC triển khai hành động, chuẩn bị ngân sách và luật pháp là để đối phó với 3 thách thức trên.

Theo kế hoạch, EC tập trung vào việc triển khai trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, cũng như giữa các cơ quan châu Âu và hệ thống thông tin hiện tại như Hệ thống thông tin khối Schengen (SIS), Luật kiểm soát Schengen, Cơ sở dữ liệu tội phạm hình sự (Ecris).

EC dự kiến sẽ thành lập trung tâm chống khủng bố của châu Âu nhằm tạo điều kiện cho Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) hoạt động hiệu quả hơn khi phối hợp thông tin trong các cuộc điều tra xuyên biên giới liên quan đến khủng bố.

Bên cạnh đó, để thích ứng với hình thức khủng bố mới, EC sẽ thay đổi khái niệm khung về khủng bố nhằm có các biện pháp trừng phạt hiệu quả hơn những chiến binh châu Âu tham chiến ở nước ngoài.

EC đang thiết lập một trung tâm trao đổi thông tin về các phần tử cực đoan và kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng tham gia chống tuyên truyền về khủng bố trên mạng Internet.

Các vụ khủng bố ở Pháp và Đan Mạch vừa qua cho thấy việc chống buôn lậu vũ khí cũng nằm trong khuôn khổ chống khủng bố. Do đó, cần phải quy định chung và hợp tác tốt hơn với các quốc gia thứ ba trong cuộc chiến này.

Các đề xuất của EC còn phải được các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu xem xét và thông qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục