EC kịch liệt phản đối các biện pháp phòng vệ thương mại của Algeria

Gần đây, Algeria áp dụng các biện pháp mạnh tay để giảm bớt nhập khẩu, trong đó có cấm nhập 851 mặt hàng, đồng thời mở rộng danh mục các sản phẩm phải chịu thuế tiêu dùng nội địa, tăng phí hải quan.
EC kịch liệt phản đối các biện pháp phòng vệ thương mại của Algeria ảnh 1 Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, bà Cecilia Malmström. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong cuộc họp với Ủy ban Đối ngoại của Nghị viện Pháp về quan hệ thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmström đã khẳng định khối này kịch liệt phản đối các biện pháp kiểm soát nhập khẩu mà Chính phủ Algeria thực hiện để khôi phục cân bằng cán cân thương mại.

Bà Malmström cho rằng các biện pháp mà Algeria đang áp dụng không phù hợp với Hiệp định chung mà hai bên đã ký kết. Do đó, hai bên cần tăng cường thảo luận về vấn đề này để tìm ra một giải pháp hữu hiệu hoặc phải đưa vào thoả thuận chung điều khoản về giải quyết tranh chấp.

Đây không phải là lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) chỉ trích các biện pháp phòng vệ thương mại của Algeria. Trong Báo cáo về Tình hình quan hệ giữa EU-Algeria thuộc khuôn khổ của “Chính sách EU đối với các quốc gia láng giềng” được công bố hồi tháng 3/2017, EC đã chỉ ra rằng hồi tháng 1/2016, Algeria đã áp dụng một loạt biện pháp “hạn chế” đối với thương mại song phương dưới hình thức “giấy phép nhập khẩu” nhằm vào một số sản phẩm.

[Algeria khánh thành khu phức hợp khí đốt trị giá hàng tỷ USD]

Việc áp dụng các biện pháp bảo hộ mà không có sự tham vấn trước EU, cộng với các hạn chế và rào cản hiện có, đã khiến môi trường kinh doanh và đầu tư trở nên khó khăn hơn với các doanh nghiệp châu Âu.

Vài tháng gần đây, Algeria đã quyết định áp dụng các biện pháp mạnh tay để giảm bớt nhập khẩu, trong đó có cấm nhập 851 mặt hàng, đồng thời mở rộng danh mục các sản phẩm phải chịu thuế tiêu dùng nội địa, tăng phí hải quan.

Dụng ý của Algeria rất rõ ràng khi một mặt nước này muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa so với hàng nhập khẩu, tiếp đến là tăng thu ngân sách thông qua mức thuế tương đối cao áp dụng đối với các mặt hàng xa xỉ (trên 30%) và khôi phục cán cân thanh toán. Tuy nhiên, các biện pháp này đang đi ngược lại với tinh thần của thỏa thuận chung giữa Algeria và EU.

Mặc dù vậy, Algeria vẫn khẳng định rằng cần thiết phải áp dụng các biện pháp này trong hoàn cảnh hiện nay, do sự sụt giảm đáng kể của giá dầu mỏ dẫn đến ngân sách công bị ảnh hưởng cũng như thâm hụt thương mại tăng cao.

Trong một đánh giá mới đây về tác động của Hiệp định chung giữa EU và Algeria kể từ năm 2005 đến năm 2015, các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, tổng giá trị xuất khẩu phi dầu mỏ của Algeria sang EU chỉ đạt chưa đến 14 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu của Algeria từ EU lên đến 220 tỷ USD trong cùng thời kỳ (đạt trung bình 22 tỷ USD/năm)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục