Trong khuyến nghị hàng năm về chính sách tới chính phủ các nước châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi Pháp và Italy tiếp tục thực hiện các cam kết cắt giảm chi tiêu và cải cách nền kinh tế để có thể tuân thủ các quy định về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU).
EC muốn có sự cân đối giữa việc cắt giảm chi tiêu và việc kích thích nền kinh tế còn yếu ớt giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao kỷ lục, bởi điều này là cần thiết để cho thấy sự tin cậy của các quy định về ngân sách đã được thắt chặt gần đây.
Theo Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso, việc xây dựng nền tài chính công bền vững và duy trì các cải cách cơ cấu sẽ tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và tạo thêm việc làm.
Tổng thống Pháp Francois Hollande có kế hoạch thôi dần việc đánh thuế đối với các doanh nghiệp để đổi lấy cam kết về thuê nhân công và đầu tư ở nước này.
Tuần trước, Thủ tướng Manuel Valls đã cam kết sẽ cắt giảm hơn nữa thuế đánh vào những hộ gia đình trung lưu hoặc thu nhập thấp.
Tuy nhiên, hạ mức thuế có nghĩa nguồn thu ngân sách sẽ giảm trong lúc Pháp đang cần cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống mức dưới 3% GDP vào cuối năm 2015 theo quy định của EU.
Pháp cũng khó có thể được cho thêm thời gian bởi đã được gia hạn hai năm để thực hiện mục tiêu về ngân sách.
Tại Italy, Thủ tướng Matteo Renzi đã cam kết sẽ công bố một gói các biện pháp có tên gọi "Khơi thông Italy" vào cuối tháng Bảy tới, nhằm thúc đẩy nền kinh tế vừa trải qua một cuộc suy thoái kéo dài hai năm, với việc hủy bỏ các thủ tục cấp phép phức tạp đối với tất cả các sáng kiến về kinh tế và bắt tay vào các chương trình sẽ được kéo dài trong 40 năm.
Ông Renzi đã nói sẽ chấn chỉnh lại luật lao động, hệ thống hành chính công và thuế. Điều đáng kể nhất mà ông đã làm được cho đến nay là ban hành luật về cắt giảm thuế thu nhập, giúp người lao động với lương thấp có thể có thêm 80 euro mỗi tháng kể từ nửa cuối năm nay.
EC cho rằng Pháp vẫn còn thời gian để hành động, song yêu cầu nước này phải cung cấp chi tiết hơn về các biện pháp sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Theo EC, các biện pháp bổ sung cho năm 2014 cần phải được làm rõ trong luật ngân sách sửa đổi sắp được công bố. EC cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Pháp cho năm 2015 là rất tham vọng.
Với Italy, EC kêu gọi nước này nỗ lực hơn nữa trong các cải cách cơ cấu để đáp ứng được yêu cầu được đề ra trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng về việc giảm nợ.
Dù thâm hụt ngân sách đã ở mức an toàn trong giới hạn của EU, nợ của Italy ở mức tương đương 135% GDP, cao thứ hai ở châu Âu, khiến cho nước này dễ bị tổn thương trước những phản ứng của thị trường./.
(TTXVN/Vietnam+)